Kinh doanh… kinh tế tuần hoàn
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Công ty TNHH Emic Travel có thể xem là doanh nghiệp lữ hành đi tiên phong trong kinh doanh tour trải nghiệm kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Quảng Nam, qua các mô hình giảm thiểu rác thải, phục dựng tài nguyên, bữa ăn tuần hoàn… hướng đến du lịch xanh và bền vững.
Các thành viên từ Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ đã tham gia tour kinh tế tuần hoàn do Emic Travel tổ chức ngày 22-12. Họ tìm hiểu quy trình biến rác thành vật dụng hữu ích tại nhà hàng The Field, thành phố Hội An. Ảnh: Nhân Tâm |
Tour xem ứng xử với rác như tài nguyên
Ngày 22-12, một đoàn 50 thành viên từ Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ đã tham gia tour kinh tế tuần hoàn do Emic Travel tổ chức.
Trong một ngày, các thành viên tham gia nhiều hoạt động, bao gồm quy trình từ nông trại đến bàn ăn và giảm thiểu rác thải trong sinh hoạt cũng như bữa ăn. Họ đầu tiên được giới thiệu tổng quan toàn bộ ý tưởng và các hoạt động và mô hình quản lý rác thải với các quy mô khác nhau tại thành phố Hội An trước khi tham quan trạm phục hồi tài nguyên tại phường Cẩm Thanh và tìm hiểu làm chất tẩy rửa đa dụng.
Đại diện nhóm phụ nữ tham gia kinh tế tuần hoàn tại phường Cẩm Thanh giới thiệu với đoàn về các hoạt động và mô hình xử lý rác thải hữu cơ như biến vỏ hoa quả lấy từ chợ để thành chất tẩy rửa đa dụng với phương pháp thủ công cũng như kể những câu chuyện thực thế biến rác thành vật liệu hữu ích trong cộng sống hàng ngày, giảm thiểu gánh nặng cho cộng đồng và môi trường.
Các thành viên sau đó tham quan mô hình tư vấn các nhóm cộng đồng địa phương biến rác thành tài nguyên và tái sử dụng và và tham quan mô hình vườn rau hữu cơ Thanh Đông.
Điểm đến cuối cùng trong tour là nhà hàng The Field để nghe giới thiệu về việc biến các hoạt động quản lý rác thải - tài nguyên thành triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Điểm nhấn cuối hành trình này là thưởng thức bữa ăn với thực đơn có tính toán đến sự tuần hoàn và tận dụng tối đa nguyên vật liệu trong quá trình chế biến, giảm thiểu tối đa bao bì nhựa phát sinh từ công tác thu mua.
“Các thành viên nói chung thích thú với đợt trải nghiệm này. Mỗi người có những chuyên môn khác nhau và họ thấy được giải pháp cho riêng mình sau chương trình này để linh hoạt áp dụng tại địa phương và cơ sở của mình”, chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án hợp phần bảo tồn biển của Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, nói. Chị Quỳnh còn chia sẻ thêm rằng các thành viên trong đoàn đến từ các đơn vị chức năng, câu lạc bộ xã hội, cộng đồng về bảo tồn, rác thải. Dự án chọn tham gia tour trải nghiệm này vì thấy được sự hiệu quả trong thực hành giảm rác thải tại Hội An. Theo chị Quỳnh, những mô hình này sẽ đem giá trị lớn cho du khách cũng như lợi ích cho cộng đồng, làm động lực duy trì cho phát triển bền vững.
Xu hướng mới: Du lịch tuần hoàn?
Chia sẻ về loại hình tour này, anh Lê Hoàng Hà, Giám đốc Emic Travel, cho biết đây là một trong những tour đầu tiên được khởi động lại sau thời gian tạm ngưng do Covid-19 và mưa bão.
Thực ra, đối với tour du lịch trải nghiệm kinh tế tuần hoàn, Emic Travel đã xác định đây là xu hướng mới trong du lịch đương đại. Vì vậy, công ty đã nghiên cứu trong nhiều năm qua. Đến giữa năm 2019, công ty mới triển khai các chương trình đi vào thực tiễn. Trước tiên Emic Travel đào tạo nhân viên, qui trình thực hiện các chương trình, cũng như nghiên cứu kỹ thuật của từng hoạt động trải nghiệm bền vững.
Các thành viên UNESCO Việt Nam tìm hiểu sử dụng lại phế phẩm trong nhà bếp. Ảnh: Emic Travel |
Và công ty đã phục vụ đoàn khách đầu tiên tham gia chương trình du lịch trải nghiệm tuần hoàn đầu tiên vào ngày 27-2-2020. Đó là các thành viên đến từ UNESCO Việt Nam.
“Sau đó chương trình này được các hãng lữ hành Việt Nam, cũng như quốc tế rất quan tâm”, anh Hà nói và cho biết, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 3, hầu như mọi hoạt động du lịch tạm dừng lại. Vì vậy, sản phẩm này chưa có cơ hội lan tỏa nhiều được.
Trước khi có tour phục vụ đoàn WWF này, công ty cũng “hâm nóng” tour thông qua phục vụ hai đoàn khách tham gia các chương trình này, đa số là người địa phương và các doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
Được biết, hiện nay Emic Travel đang liên kết với các trường quốc tế tại Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM để chào bán các chương trình, một phần nhằm giáo dục các em học sinh, sinh viên. “Một số trường cũng đã chọn các sản phẩm của chúng tôi và đưa các em trải nghiệm sau Tết âm lịch như tái chế xà phòng, tái chế vải, ủ phân từ rác hữu cơ và ươm cây, trồng cây”, anh Hà tiết lộ.
Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức chương trình dành cho các tổ chức môi trường, văn hóa quốc tế tại Việt Nam như ENESCO, WWF hay ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), nhằm giới thiệu cho các tổ chức về giải pháp các mô hình du lịch kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng vào thực tiễn.
Emic Travel cũng sẽ có chương trình phù hợp dành cho các doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm đến… để có nhìn nhận về việc phát triển các sản phẩm theo định hướng tuần hoàn. “Chúng tôi xác định làm du lịch phải có trách nhiệm, ý thức được việc bảo vệ môi trường, hạn chế xâm thực vào tài nguyên, cần phải tái sinh, tái tạo và phục dựng tài nguyên có như vậy thì cách làm du lịch của chúng ta mới bền vững được”, ông Hà nói và cho biết thêm từ năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ tập trung hướng đến thị trường khách quốc tế, đặc biệt chú trọng đến thị trường Âu, Mỹ, Úc vì du khách từ những thị trường này đã có nhiều thay đổi về hành vi đi du lịch. Họ luôn chọn những công ty lữ hành có du lịch đạo đức, du lịch trách nhiệm, du lịch xanh…
Một người nước ngoài tham gia lớp học xử lý rác thải tại thành phố Hội An. Ảnh: Emic Travel |
Đây thị thị trường tìm năng mà không chỉ Emic Travel mà nhiều doanh nghiệp tại Hội An và Quảng Nam hướng đến trong tương lai để cung cấp tour trải nghiệm kinh tế tuần hoàn, theo anh Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.
Anh Thanh chia sẻ khái niệm về kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn thực tế đã được cha ông ta thực hiện thông qua mô hình sản xuất Vườn – Ao – Chuồng.
Đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra đại dương.
Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.
Một gian hàng giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn của nhóm cộng đồng "Từ rác đến tài nguyên" tại Hội An. Ảnh: Nhân Tâm |
Có thể nói nhận thức về vấn đề môi trường đã và đang có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế, trong đó có ngành dịch vụ và du lịch. Du lịch và môi trường là hai bộ phận không thể tách rời nhau. Môi trường có tốt thì du lịch mới phát triển bền vững.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh từ WWF cũng cho biết đây là hướng đi đúng và hiệu quả của ngành du lịch Quảng Nam. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng tham gia vào mô hình này, rác sẽ càng ngày được giảm thiểu.
Chương trình trải nghiệm mô hình xử lý rác thải nhà bếp Anh Phan Xuân Thanh cùng nhóm cộng đồng "Từ rác tới tài nguyên" tại Hội An đang tổ chức chương trình trải nghiệm mô hình xử lý rác thải nhà bếp, với mục tiêu nâng cao nhận thức của nhiều người, từ khách du lịch cho đến người dân và doanh nghiệp. Những lớp học nhỏ này được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và số lượng người tham gia. “Rác là tài nguyên quý, trân quý rác sẽ làm tăng giá trị cho sản phẩm du lịch”, anh Thanh nói và cho biết vừa qua những vị khách đầu tiên, bao gồm trong nước và nước ngoài, đã tham gia chương trình và họ rất chăm chỉ lắng nghe giới thiệu tỉ mỉ từng công đoạn và tham gia rất nhiệt tình. Họ được nghe giới thiệu về các mô hình xử lý rác thải (Lên men, Ủ Phân, Chế Phẩm Sinh Học, Xà phòng từ dầu ăn thừa), tham gia trải nghiệm từng công đoạn dưới sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật. Sau đó là bữa ăn từ vườn lên mâm - thực đơn có tính toán đến sự tuần hoàn và sự tận dụng tối đa nguyên vật liệu trong quá trính chế biến. |
Xem thêm: lmth.naoh-naut-et-hnik-hnaod-hnik/750213/nv.semitnogiaseht.www