Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Vấn đề đặt ra là làm sao để xử lý và ngăn ngừa vấn nạn nhức nhối này?
Thi cử nhẹ nhàng, thậm chí có tiêu cực đảm bảo đậu. Do đó trên hồ sơ, giấy tờ minh chứng có đầy đủ bài thi, bằng cấp thật nhưng kiến thức không đúng với thực tế giá trị của tấm bằng.
Cán bộ quản lý một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM
"Phí chống trượt" cả chục triệu đồng
Kể về vấn nạn học giả bằng thật, chị N. - đã tốt nghiệp thạc sĩ năm 2018 - cho biết: "Trong quá trình tìm hiểu để học thạc sĩ, tôi thấy chất lượng đào tạo thạc sĩ của các trường rất khác nhau, không phải trường nào cũng nghiêm túc. Tôi chọn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, còn rất nhiều bạn bè tôi "chạy" cử nhân văn bằng 2 tiếng Anh".
Chị N. kể một thực tế đau lòng: "Thi trường ĐH ở khu vực miền Bắc không được lại chạy vào Nam thi, với phí chống trượt lên tới cả chục triệu đồng. Tôi có người quen làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở địa phương định học lên tiến sĩ với ý định sẽ chạy bằng tiếng Anh. Tôi đã nói thẳng nếu đã là hiệu trưởng thì không nên làm như thế, vì nếu bằng cấp bị phanh phui thì chức danh hiệu trưởng cũng không còn. Do đó, tôi thấy học thật hay học giả vẫn là lựa chọn của mỗi người".
Trong khi đó, cán bộ quản lý một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ cho biết thực tế có người đi "vẽ chữ" chứ không phải đi học. Theo ông này, một số người vẫn đi học tiếng Anh bình thường, đến lớp đầy đủ nhưng thực tế khả năng ngoại ngữ rất kém.
"Học tiếng Anh giao tiếp đã khó, trong khi đó chương trình cử nhân đòi hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên việc thi cử lại diễn ra nhẹ nhàng, thậm chí có tiêu cực đảm bảo đậu. Do đó, trên hồ sơ, giấy tờ minh chứng họ vẫn có đầy đủ bài thi, bằng cấp thật nhưng kiến thức không đúng với thực tế giá trị của tấm bằng đó" - ông này nói.
Trường phải tuyển đúng người
Ở khía cạnh là nơi đào tạo và tuyển dụng, TS Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - nói các loại bằng trong hệ thống văn bằng quốc gia đều có giá trị như nhau, nên trường không có quyền đưa ra các tiêu chí loại trừ khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và các thông tin có được vẫn biết trường nào đào tạo tốt, uy tín và nghiêm túc, trường nào ít nghiêm túc hơn. Cùng bằng thạc sĩ, nhưng không phải chất lượng đào tạo đều như nhau. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy những người học từ các trường có truyền thống và uy tín phần lớn có kiến thức và kỹ năng tốt hơn.
"Tuy không công khai tiêu chí loại trừ, nhưng khi nhận hồ sơ, hội đồng tuyển dụng sàng lọc và ưu tiên những người tốt nghiệp từ các trường uy tín được vào vòng tiếp theo" - ông Hải cho biết thêm.
Nhiều năm ngồi hội đồng tuyển dụng, cán bộ một trường ĐH tại TP.HCM cho biết có trường hợp tiến sĩ bị loại, thạc sĩ lại trúng tuyển. Bằng cấp chỉ là tiêu chuẩn cứng khi tuyển dụng, chứ không phải tất cả.
Theo ông này, những người đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ dĩ nhiên sẽ có bằng cấp và chứng chỉ ngoại ngữ, tin học phù hợp và thuộc diện miễn hai môn này ở vòng đầu tiên.
Tuy nhiên, ở vòng 2, khi đối diện với hội đồng chuyên môn đơn vị tuyển dụng, ứng viên phải thể hiện kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng giảng dạy. Người nào học giả, hoặc kiến thức không chắc, sẽ bị lộ ngay.
"Khi nhận hồ sơ, trường có nắm qua thông tin nền của ứng viên. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào bằng cấp và các thông tin nền của ứng viên có thể đánh giá không đầy đủ, xác thực về năng lực của người đó.
Với môi trường đặc thù, trường phải tuyển đúng người có năng lực và kỹ năng phù hợp nên phỏng vấn chuyên môn sâu là cách đánh giá khá khách quan và chính xác" - ông này nhận định.
Tăng cường giám sát đào tạo văn bằng 2
Sau vụ Trường ĐH Đông Đô, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phóng viên Tuổi Trẻ biết việc rà soát thực hiện các quy chế đào tạo nói chung (trong đó có đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh và các ngành khác) được kết hợp thường xuyên với các đợt kiểm tra, giám sát những điều kiện đảm bảo chất lượng hằng năm của Bộ.
Trong các năm 2019, 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường giám sát việc đào tạo văn bằng 2 của các cơ sở giáo dục ĐH hơn những năm trước vừa để tránh trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra với Trường ĐH Đông Đô, vừa để đảm bảo giám sát các trường thực hiện đúng những quy định về tự chủ chuyên môn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết bộ vẫn khuyến khích việc đào tạo văn bằng 2 một cách nghiêm túc, chất lượng, bởi đây là đào tạo chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động, bồi dưỡng tăng cường những kiến thức, kỹ năng phù hợp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc trong bối cảnh không ngừng thay đổi, đổi mới. Và hiện bộ không có quy định nào chỉ dành riêng cho đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh.
"Vụ việc của Trường ĐH Đông Đô là trường hợp cá biệt với một số cá nhân cố tình làm sai, cố tình vi phạm. Về nguyên tắc trong đào tạo, các trường đã được mở ngành đào tạo chính quy (trong đó có các ngành ngôn ngữ), đã đào tạo sinh viên chính quy tốt nghiệp ra trường thì cũng có năng lực đào tạo văn bằng 2, với chỉ tiêu thuộc tổng chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo của trường.
Với các thông tư về chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo ĐH mới sắp ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định chặt chẽ hơn về yêu cầu trách nhiệm báo cáo, giải trình của các cơ sở đào tạo, đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các loại hình và trình độ đào tạo" - đại diện bộ cho hay.
Nhiều trường ngưng sử dụng bằng của ĐH Đông Đô
ĐH Quốc gia Hà Nội đã tạm dừng sử dụng văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh do Trường ĐH Đông Đô cấp trong tuyển sinh đầu vào, cũng như xét chuẩn đầu ra cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan an ninh điều tra. Ngoài ra, ĐH Sư phạm Hà Nội có 4 học viên cao học và 4 nghiên cứu sinh; Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng có 4 nghiên cứu sinh... Những trường này đều chọn phương án tạm dừng sử dụng văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô và chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Theo các trường, có một vấn đề là dù nhiều trường hợp học Trường ĐH Đông Đô học giả nhưng lại được cấp bằng thật với phôi bằng chuẩn của Bộ GD-ĐT.
"Trường ĐH Đông Đô đã tuyển sinh trái phép. Tuy nhiên phôi bằng trường này cấp cho người học lại là phôi bằng thật của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế có ý kiến cho rằng cần phải xác định xem người học nào đi học thật, người học nào không học vẫn nhận bằng của Đông Đô, trên cơ sở đó mới có thể ra quyết định" - một lãnh đạo trường ĐH nói.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM):
Tạo ra "gọng kềm" giám sát chất lượng
Tình trạng học giả - bằng thật rất khó để phát hiện và xử lý vì tất cả hồ sơ, giấy tờ, minh chứng đều thể hiện đầy đủ theo quy định. Nước Mỹ cũng chịu thua với tình trạng bằng thật - học giả này. Không ít trường ĐH Mỹ từng qua Việt Nam đào tạo trực tuyến, trực tiếp, thậm chí là bán bằng.
Để có dạy thật và học thật cần phải thay đổi chính sách tuyển dụng, quản lý cán bộ và thay đổi triệt để từ đảm bảo chất lượng bên trong lẫn kiểm định bên ngoài của các trường để tạo thành gọng kềm giám sát.
Khi nào tuyển dụng vẫn còn dựa vào hồ sơ, bằng cấp, không qua phỏng vấn thực sự, đánh giá chuyên môn khách quan, tình trạng bằng thật nhưng học giả vẫn còn đất sống. Năng lực được đánh giá chính xác, không ai dám bỏ tiền đi học giả.
Với chính sách quản lý chất lượng, điều này phụ thuộc nhiều vào các trường cũng như chính sách quản lý. Các trường phải xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng, có cơ chế vận hành và giám sát lớp học, kiểm tra đánh giá trung thực, có hồ sơ minh chứng đầy đủ.
Ngoài ra cần có quy định kiểm định bắt buộc từ các tổ chức kiểm định độc lập để giám sát và công nhận quá trình đảm bảo chất lượng. Như vậy sẽ tạo ra "gọng kềm" để giám sát chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần cải tiến công tác kiểm tra, kiểm định
Việc học tập cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng thật có thể trải dài trên thang đo rộng, từ không đến có vừa vừa với nhiều mức độ và đạt chuẩn đầu ra để thực sự xứng đáng với tấm bằng. Nhưng trên thực tế, một người có thể có bằng thật nhưng học giả với nhiều biểu hiện khác nhau, như báo chí từng nêu (học nhờ, thi hộ, mua điểm, thuê viết luận văn...).
Theo tôi, nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bảo đảm chuẩn đầu ra đúng trình độ, theo đúng quy định của quốc gia, như thông lệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh tăng cường tự chủ phải gắn liền tương xứng với trách nhiệm giải trình.
Có hai khía cạnh đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài. Hiện nay, các văn bản pháp lý của ngành khá đầy đủ. Tuy nhiên quả thực không ít trường còn chưa thành thục trong việc đảm bảo chất lượng bên trong của mình.
Ngành giáo dục cần tăng cường hỗ trợ các trường trong việc này, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, cung cấp các tài liệu hướng dẫn, bổ sung các quy định phù hợp...
Về đảm bảo chất lượng bên ngoài, công khai thông tin và nhất là công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng là những công cụ tốt, với điều kiện phải làm tốt thực sự.
Ngành cần tiếp tục cải tiến công tác kiểm tra, còn công tác kiểm định cần làm chặt chẽ hơn, đi vào thực chất sâu hơn. Trách nhiệm của các trung tâm/các đoàn kiểm định là hết sức quan trọng, là cánh cửa đánh giá chất lượng, nếu làm chưa tốt sẽ khó có được lòng tin của xã hội, đồng thời không hỗ trợ hiệu quả để các trường cải tiến chất lượng. Cuối cùng là công tác khen thưởng, kỷ luật phải nghiêm minh, tránh xuề xòa; có vậy mới mong có sự răn đe nhất định.
TS Thái Thị Tuyết Dung (phó giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo trực tuyến Trường ĐH Luật TP.HCM):
Phôi bằng thật không là yếu tố quyết định
Để ngăn chặn triệt để tình trạng bằng thật, học giả là không dễ, bởi liên quan quá nhiều yếu tố như văn hóa trọng bằng cấp của người Á Đông, văn hóa pháp lý, ý thức pháp luật và cả tính khả thi, hợp lý của các quy phạm pháp luật.
Dưới góc độ một người nghiên cứu pháp luật và quan sát, theo tôi, để ngăn chặn cần tổng hòa nhiều yếu tố. Trước hết là pháp luật và cơ chế áp dụng pháp luật phải nghiêm minh. So với quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong nghị định 34/2001, nghị định 27/2012 trước đây, hành vi vi phạm liên quan đến "sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng, bổ nhiệm" thì nghị định 112/2020/NĐ-CP đã tăng mức xử lý kỷ luật nặng hơn nhiều.
Phôi bằng thật không phải là yếu tố quyết định. Cách đây mấy năm, Trường ĐH Luật Hà Nội từng thu hồi văn bằng cử nhân của một học viên (học thật) vì đầu vào không đảm bảo thì cũng không thể là bằng thật. Nếu bằng thật mà không có căn cứ nào để chứng minh học viên có quá trình học (như không thi môn nào nhưng có điểm, nhờ người thi hộ...), tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, căn cứ vào thông tư 21/2019 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân có thể thu hồi bằng đã cấp.
TRẦN HUỲNH - MINH GIẢNG ghi
TTO - Trịnh Minh Hoàng thấy nhiều người có nhu cầu mua chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tin học để đủ điều kiện tốt nghiệp thạc sĩ nên đã làm giả những loại chứng chỉ này bán cho các học viên.
Xem thêm: mth.68674043232210202-taht-gnab-aig-coh-iov-oan-eht-yl-ux-od-gnod-hd-gnourt-uv-ut/nv.ertiout