Chăm sóc sức khỏe từ xa ở ASEAN tăng trưởng vượt trội trong mùa đại dịch
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Tại Thái Lan, Indonesia hay Singapore, tần suất sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa - telehealth hay telemedicine - gia tăng mạnh khi người dân e ngại việc thăm khám trực tiếp tại các phòng khám hay bệnh viện có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các dịch vụ mới này giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở các nước ASEAN đang đương đầu với các ca lây nhiễm mới.
Các nhà đầu tư cũng chú ý đến startup telehealth. Các bệnh viện trong khu vực cũng gia tăng đầu tư cho nền tảng công nghệ số. Fortune Business Insights dự báo thị trường dịch vụ telehealth toàn cầu sẽ đạt quy mô 185,7 tỉ đô la trong năm 2026 so với con số 34,3 tỉ đô la của năm 2018, với tỷ tăng trưởng hàng năm trung bình là 23,5%.
Tăng trưởng ấn tượng
“Khi dịch bùng phát, chúng tôi thấy nhu cầu gia tăng rõ rệt”, theo lời CEO và nhà sáng lập Jaren Siew của Doctor Raksa - ứng dụng kết nối bệnh nhân với bác sỹ và các nhà thuốc ở Thái Lan. Doctor Raksa đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 300% trong quí 3 vừa rồi.
“Chi phí và khả năng tiếp cận với các bác sỹ luôn là một vấn đề đối với các hệ thống y tế. Telehealth giải quyết những vấn đề này khi xóa bỏ ranh giới địa lý và cho phép bệnh nhân tiếp cận với bác sỹ bất cứ khi nào và ở đâu”, CEO Siew nói với Nikkei Asia.
Ứng dụng Doctor Anywhere giúp kết nối 1 triệu khách hàng với 1.300 bác sỹ ở Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Phí một lần thăm khám trực tuyến là 14 đô la Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia |
Ông Siew tin rằng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục định hình lại lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và mở cánh cửa cơ hội với các dịch vụ trực tuyến trong tương lai gần. Ông cũng cho biết Doctor Raksa đang tìm kiếm đối tác nước ngoài ở các thị trường mới.
Halodoc là một startup giúp khách hàng có thể tham vấn trực tuyến với các bác sĩ có đăng bạ ở Indonesia. Số khách thường xuyên sử dụng dịch vụ Halodoc đã đạt 20 triệu người trong quí 1-2020, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm trước, CEO Jonathan Sudharta cho biết.
“Giãn cách xã hội đang trở thành một bình thường mới. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển. Telemedicine đã chứng tỏ là cách tiếp cận hiệu quả với chăm sóc y tế dành cho bệnh nhân ở nông thôn, vốn sống xa các trung tâm y tế uy tín”, ông Sudharta nói.
Dịch vụ trọng yếu và nổi trội trong mùa dịch
Trong một báo cáo tháng 11, hãng công nghệ Google, quỹ đầu tư Temasek của Singapore và hãng tư vấn Bain&Co của Mỹ đã trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng nhiều nước Đông Nam Á có tỷ lệ bác sỹ trên dân số tổng quát thấp hơn so với các nước như Mỹ và Trung Quốc. Indonesia và Thái Lan có tỷ lệ 4 bác sỹ trên 10.000 dân – theo bản báo cáo. Các nước ASEAN khác có tỷ lệ cao hơn: Việt Nam 8, Philippines 12, Malaysia 16 và Singapore 23. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 22 và ở Mỹ là 27.
Các lệnh phong tỏa và giới hạn đi lại được công bố trong nhiều thời điểm trong năm nay ở 10 nước thành viên ASEAN đã khiến bệnh nhân có rất ít lựa chọn. Họ phải tham vấn trực tuyến với các chuyên gia y tế thay cho các thăm khám định kỳ. Các hãng dịch vụ telehealth cung cấp đa dạng các dịch vụ: từ tư vấn tổng quát đến giám sát liên tục các điều kiện y khoa đặc biệt và các liệu pháp điều trị tại nhà. Tất cả có thể thực hiện trực tuyến, mà không cần bệnh nhân đến phòng khám hay bệnh viện.
“Telehealth nổi lên là mảng dịch vụ trọng yếu trong mùa dịch nhằm bảo đảm sức khỏe cho mọi người khi việc thăm khám tại bệnh viện có thể đẩy người bệnh vào môi trường có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn”, Phó Chủ tịch Rachel Coxon tại hãng giải pháp công nghệ Barco Asia-Pacific.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á, hiện có trên 600.000 ca lây nhiễm. Hãng phân tích dữ liệu GlobalData nói rằng hạ tầng chăm sóc y tế thiếu hiệu quả và sự phụ thuộc vào nguồn vật tư y tế bên ngoài đã khiến quần đảo này đương đầu với nhiều khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19.
GlobalData cũng ghi nhận mức độ sử dụng dịch vụ của các hãng telehealth như Halodoc, Alodokter và GrabHealth tăng như hỏa tiễn trong mùa dịch. Sự phổ biến của các dịch vụ mới này tiếp tục là đặc tính quan trọng của thị trường chăm sóc sức khỏe nội địa trong thời kỳ hậu Covid-19.
Bệnh viện ảo Samitivej thuộc chuỗi Bangkok Dusit Medical Servies (BDMS) có tới 380 bác sỹ túc trực 24/24. Ảnh: Nikkei Asia |
CEO Sudharta của Halodoc hy vọng các startup sẽ lấp đầy những lỗ hổng hay giải quyết các bất cập của hệ thống y tế quốc gia. Ông nói rằng các bệnh viện lớn đang là nguồn lây nhiễm bệnh chính và telemedicine có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Cơ hội đầu tư mới
Các nhà đầu tư cũng nhận ra lãnh địa mới. Halodoc, với sự hỗ trợ của siêu ứng dụng Gojek, đang đón nhận luồng gió cơ hội mới. Hồi tháng 7, Halodoc có thêm 100 triệu đô la trong vòng gọi vốn series B từ các nhà đầu tư như Prudential, Allianz X và tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dự đoán đột quỵ, công ty khởi nghiệp See-Mode Technologies ở Singapore cũng gọi được 7 triệu đô la vào tháng 8 rồi. Một startup khác của Singapore là Doctor Anywhere đã gọi được 27 triệu đô la.
Doctor Anywhere hiện có khoảng 1 triệu dùng với khoảng 1.300 bác sỹ tổng quát và chuyên khoa từ Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Bệnh nhân trả phí 20 đô la Singapore, tức 14 đô la Mỹ, cho một lần tham vấn trực tuyến. Thuốc sẽ được giao đến tận nhà sau vài tiếng. Doctor Anywhere đang tìm cách mở rộng quy mô ở các thị trường này và đang chuẩn bị kế hoạch ở Malaysia và Philippines.
Startup eDoctor tại Việt Nam cũng thành công trong vòng gọi vốn hồi tháng 4, nhưng đã không tiết lộ số vốn gọi được. Hệ thống nhà thuốc Pharmacity cũng gọi được 31,8 triệu đô la. Hệ thống nhà thuốc này cung cấp một số loại thuốc và vật phẩm y tế trên mạng, nhưng chưa có ứng dụng riêng.
Ngoài các startup, một vài cơ sở y tế trong khu vực cũng chú trọng và đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ telehealth.
Bệnh viện Alexandra ở Singapore đã thực hiện các ca tư vấn tâm lý trực tuyến dành cho bệnh nhân nội trú của khoa hồi sức vào tháng 2 vừa rồi. Từ tháng 3, các ca tham vấn qua video được mở rộng cho bệnh nhân ngoại trú.
Bác sỹ Effie Chew, trưởng khoa hồi sức của Bệnh viện Alexandra, cho biết rằng hồi đầu dịch tỷ lệ bệnh nhân hủy hẹn hay dời hẹn thăm khám chiếm 10-15%. “Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong mảng y tế, tuy nhiên nó cũng mở ra nhiều cơ hội và buộc chúng tôi phải suy nghĩ và thay đổi để đáp ứng với tình trạng bình thường mới”, Bác sỹ Chew phát biểu.
Tại Malaysia, chuỗi bệnh viện IHH Healthcare với 77 bệnh viện chi nhánh ở nhiều nước đã tăng cường các ca tư vấn trực tuyến ở ít nhất là 8 thị trường, gồm Malaysia và Singapore. Chuỗi này cũng đầu tư vào một ứng dụng telehealth.
Dịch bệnh cũng buộc chính phủ các nước châu Á đánh giá lại vai trò của telehealth trong các mạng lưới chăm sóc sức khỏe tổng quát. Ở Nhật Bản, các quy định được nới lỏng trong mùa dịch, cho phép bác sĩ thực hiện các cuộc hẹn thăm khám đầu tiên qua mạng. Trước đó, bác sĩ chỉ được phép tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân cũ.
Tại Indonesia, Thái Lan và Singapore, các quy định về chăm sóc sức khỏe từ xa cũng không quá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, Indonesia đòi hỏi các chuyên gia y khoa muốn thực hiện tư vấn trên các phương tiện trực tuyến chi cần một có đăng ký và giấy phép hành nghề - theo hãng luật Baker McKenzie.
Tuy nhiên, một khung pháp lý đồng bộ giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất và mới nhất trong tương lai đối với các ứng dụng telehealth đang mong muốn mở rộng hoạt động ở thị trường 650 triệu dân này. Chẳng hạn, các quy định thay đổi ở một hay hai nước ở ASEAN cũng có thể ảnh hưởng đến các bác sĩ đang cung cấp dịch vụ tư vấn trên ứng dụng Doctor Anywhere.