Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đạt nhiều kết quả tích cực
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2020 là năm mà ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện trọn vẹn cả 5 năm điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đạt mục tiêu đề ra như ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, lãi suất tiếp tục được ổn định theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, trong năm 2020, lãi suất NHNN điều chỉnh nhiều lần, chưa có nước nào, đặc biệt trong khu vực trong đợt vừa qua điều chỉnh lãi suất hạ thấp như Việt Nam. Từ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất một cách tích cực, giảm 1-1,5%/năm so với mặt bằng đầu năm, tạo điều kiện ổn định giá trị đồng tiền, giảm được lãi suất đầu vào có điều kiện giảm lãi suất đầu ra.
Theo Phó Thống đốc, một trong những thành tựu rất lớn của Ngành trong năm 2020 là ổn định hệ thống các TCTD trên cơ sở nền tảng, kết quả Đề án tái cơ cấu tổng thể hệ thống các TCTD. Ở giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu, trong 5 năm qua, NHNN đã rất quyết liệt với nhiều giải pháp, chính sách, nhiệm vụ đặt ra cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các TCTD. Có thể nói, đến nay, sự ổn định hệ thống các TCTD là một trong những kết quả lớn, kể cả những ngân hàng được xem là yếu kém, khó khăn đã cơ bản ổn định, việc đầu tư tín dụng, chất lượng tín dụng, nợ xấu… trong tầm kiểm soát của NHNN.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã tác động khó khăn nhưng là cơ hội để thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển tích cực. Năm 2020 được xem là năm mà TTKDTM với việc ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển Ngân hàng số, phát triển nhanh những nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động thanh toán, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, hứa hẹn sẽ là cơ hội đẩy mạnh hơn nữa TTKDTM để đạt được mục tiêu về TTKDTM, Đề án của NHNN.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo
Phó Thống đốc cũng cho rằng, cải cách hành chính ngành Ngân hàng những năm qua đã tạo ra tạo môi trường thuận lợi cho DN và người dân. NHNN tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Chỉ số Par-Index đánh giá rất khách quan, chỉ số này không chỉ do Hội đồng đánh giá mà là kết quả thăm dò dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp. Sau 5 năm, đặc biệt là sau Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhìn thấy rất rõ, cải cách hành chính ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi về môi trường, thủ tục cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng hiện đại dễ dàng hơn. Phó Thống đốc cũng lưu ý, tài chính toàn diện phải lan toả hơn nữa, việc triển khai càng sớm tài chính toàn diện sẽ góp phần nâng cao mức sống, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân và DN.
Phó Thống đốc khẳng định, sự quan tâm, chỉ đạo cùng các chủ trương của Đảng, Nhà nước với những đối tượng người nghèo, người khó khăn do tác động của dịch bệnh, thiên tai… đã cho thấy, riêng ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất quyết liệt và tích cực. Có nhiều chương trình tín dụng, ngoài tín dụng chính sách của NHCSXH, các TCTD cũng triển khai nhiều chương trình, chính sách, qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập, sinh kế, nâng cao đời sống của người dân… 5 năm qua và năm 2020 thể hiện rõ số liệu tăng lên rất nhiều, để thấy được bức tranh tổng thể hoạt động ngân hàng năm 2020 và là kết thúc của 5 năm Kế hoạch vừa qua với những thành công mà ngành Ngân hàng đạt được. Kết quả đó có được là sự nỗ lực của toàn Ngành, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng với ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, sự thành công trong công tác truyền thông chính sách, giúp cho sự tin tưởng của doanh nghiệp và người dân với ngành Ngân hàng được tăng lên rất nhiều.
Theo các báo cáo tại cuộc họp, đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt.
Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 03 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
NHNN điều hành, công bố tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tỷ giá USD/VND diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và biến động của USD trên thị trường thế giới.
NHNN chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các TCTD đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019.
Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh TTKDTM, đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01 nhưng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Tăng trưởng TTKDTM đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019). So cùng kỳ năm 2016, trong 10 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 83,67% về số lượng và 135,04% về giá trị; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng 276,4% và 343%; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.037% và 972,5%. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%... Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM.
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei), hoàn thành mục tiêu tăng ít nhất một bậc mà Chính phủ yêu cầu.
Toàn cảnh buổi họp báo
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng theo mục tiêu, lộ trình đề ra tại Đề án 1058. Năng lực tài chính, quản trị điều hành và hiệu quả hoạt động, các chỉ số an toàn, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được cải thiện rõ rệt và ngày càng tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Việc triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.
Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các TCTD nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42. Mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.
Chính những kết quả này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á -Thái Bình Dương và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đây là những kết quả rất đáng mừng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Định hướng nhiệm vụ năm 2021
Trả lời các câu hỏi và làm rõ các vấn đề phóng viên quan tâm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế, cụ thể:
(i) Điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt;
(ii) Chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất - kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng;
(iii) Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng;
(iv) Xây dựng, trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại của tổ chức mình để sớm triển khai trong thời gian tới;
(v) Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng, triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn tới, trong đó tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN4.0 trong hoạt động thanh toán; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Hà My
Ảnh: Đức Khanh
Xem thêm: 062624VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www