Nhiều đơn vị cho biết sẽ tăng cung ứng hàng Tết đến 10 lần so với ngày thường và có kế hoạch chuẩn bị từ trước 4 tháng. Đồng thời, sẽ có nhiều đợt giảm giá "khủng" để giảm áp lực chi tiêu cho khách hàng.
Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ hàng hóa đã sẵn sàng tăng cường nguồn cung.
Trao đổi với Lao Động, đại diện siêu thị Mega Market (MM) cho biết, ngoài việc đảm bảo công tác phòng dịch, như bắt buộc khách hàng phải đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, đơn vị này đã chuẩn bị gần 450 tỉ đồng tổng giá trị hàng tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán.
MM tập trung các mặt hàng nhu yếu phẩm, như thực phẩm tươi sống, nước giải khát, hàng đông lạnh, đồ gia dụng cũng như các mặt hàng bánh kẹo mứt.
"Thời điểm này, các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm phục vụ Tết dương lịch và âm lịch luôn đầy ắp trên kệ. Cứ 1-2 tiếng, nhân viên siêu thị lại bổ sung thêm hàng trên kệ, thay hàng mới và loại bỏ hàng dập nát. Đặc biệt, các loại rau xanh, nấm, một số củ quả liên tục được bổ sung", đại diện MM cho hay.
Đối với hệ thống siêu thị Saigon Co.op, doanh nghiệp này cho biết, họ đang có nhiều chương trình giảm giá hàng Tết, chiết khấu mạnh cho đơn hàng giỏ quà đặt sớm.
"Thay vì chỉ giảm giá cho những ngày cận Tết như thông lệ thị trường, mới đây, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op đồng loạt áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm" - đại diện truyền thông Saigon Co.op chia sẻ.
Theo doanh nghiệp này, đợt giảm giá đầu tiên sẽ áp dụng từ nay đến hết ngày 30.12.2020. Các hệ thống của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile giảm giá hàng nghìn sản phẩm bột giặt, dầu ăn, nước rửa chén, các loại nồi chảo, dụng cụ nhà bếp, các loại gia vị tương ớt, nước mắm, nước tương, bột ngọt, lạp xưởng, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa...
Trong đó, các ngày cuối tuần từ thứ 5 đến chủ nhật sẽ có chương trình giảm giá sốc, giảm giá tận gốc, giúp người dân mua sắm tiết kiệm được hơn 50% chi tiêu thông thường và hàng hóa rất phong phú để lựa chọn.
Trong khi đó, VinMart và VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để đặt số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ, trong đó cơ cấu hàng Việt chiếm tỉ trọng trên 90%. Siêu thị cũng sẽ mở cửa phục vụ người dân mua sắm đến 16h ngày 11.2.2021 (tức ngày 30 tháng Chạp). Toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15.2.2021 (tức mùng 4 tháng Giêng).
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Riêng tại TP.Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thủy hải sản…, đến hết tháng 11.2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, hai tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Xem thêm: odl.892568-cos-aig-maig-tet-gnah/et-hnik/nv.gnodoal