Vì sao lãi suất cho vay khó thấp hơn ?
Phạm Như Liên
(TBKTSG) - Trong năm 2020, các ngân hàng thương mại đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Thế nhưng, lãi suất cho vay đang được xem là vẫn còn cao, và vấn đề được đặt ra là vì sao lãi suất cho vay khó giảm thấp hơn?
Ảnh minh họa: TTXVN |
Lãi suất huy động “níu” lãi suất cho vay
Thông tin hoạt động thường kỳ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 4-12-2020 cho biết, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.
Từ thông tin trên và khảo sát thực tế, có thể hiểu lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4,5%, đã giảm 1,5-4,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 và có lẽ chủ yếu giảm ở một số ngành, lĩnh vực mà NHNN quyết định mức lãi suất tối đa khuyến khích sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, gồm: nông nghiệp nông thôn, thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số dư nợ loại này ước tính khoảng 20% tổng dư nợ ngành ngân hàng.
Các chỉ đạo của NHNN trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10 về giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn lần lượt mức 6% - 5% - 5,5% - 4,5%, tính ra lãi suất cho vay tối đa bình quân mức 5,16%. |
Theo NHNN, hiện tại lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 4,2-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-6,9%/năm.
Như vậy, lãi suất tiền gửi đã giảm so với cuối năm 2019 với mức giảm cụ thể là: tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm 0,1-0,6 điểm phần trăm; kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm 1-1,1 điểm phần trăm; kỳ hạn từ sáu tháng trở lên giảm 0,6-1 điểm phần trăm.
Tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới sáu tháng có lãi suất thấp hơn dường như thường chỉ đủ bảo đảm cân đối cho vay ngắn hạn đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên hoặc do NHNN khống chế mức trần lãi suất cho vay và đối với một số danh mục cho vay mà mỗi ngân hàng lựa chọn vì chiến lược kinh doanh.
Trong thời gian dài các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên sáu tháng ở mức cao, trên 6%/năm, đã làm cho lãi suất cho vay khó giảm thấp hơn nữa.
Quản trị tín dụng và mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng
Các chỉ đạo của NHNN trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10 về giảm dần lãi suất tiền gửi tối đa lần lượt mức 0,8% - 0,5% - 0,2% đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng; 5% - 4,75% - 4,25% - 4% đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Tính ra lãi suất tiền gửi bình quân tối đa khoảng 4,42%/năm. Tính theo thời gian thực áp dụng, với cơ cấu tiền gửi phổ biến tại các ngân hàng, sau khi tính quỹ đảm bảo thanh toán và dự trữ bắt buộc, thì lãi suất tiền gửi bình quân tổng thể đầu vào ở mức khoảng 4,9%/năm.
Các chỉ đạo của NHNN trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10 về giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn lần lượt mức 6% - 5% - 5,5% - 4,5%, tính ra lãi suất cho vay tối đa bình quân mức 5,16%.
Tương quan giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi như trên, khi cho vay vào các lĩnh vực mà NHNN quyết định mức lãi suất tối đa, ngân hàng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp khi tính đủ đầu vào đầu ra, bao gồm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, trích dự phòng rủi ro hoạt động tín dụng, nhất là nợ xấu...
Có thể nói việc quản trị theo những mục tiêu nhất định, từng ngân hàng thường có chiến lược và chính sách khách hàng riêng để tiếp cận, giữ và chăm sóc khách hàng cũng như các đối tác gắn liền với hoạt động của mình. Trong hoạt động cho vay, các khách hàng lớn (VIP) thường được hưởng những ưu đãi, trong đó có ưu đãi lãi suất cho vay, có khi là rất thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng. Trong số này có rất ít chương trình có sự tham gia tài trợ của ngân sách. Vì thế, ngân hàng phải giữ lãi suất cho vay lĩnh vực khác cao hơn để bù vào, bảo đảm mục tiêu có lợi nhuận.
Trong quá trình quản trị hoạt động, thực hiện theo quy định của NHNN, các ngân hàng phải tiếp cận và thực thi các chuẩn mực về cân bằng giữa hiệu quả và rủi ro. Các khoản cho vay đã và sẽ phải được định giá theo rủi ro. Cho vay các ngành kinh tế rủi ro cao, lãi suất phải cao hơn. Ví dụ như ngành bất động sản thuộc nhóm rủi ro cao hơn, lãi suất cho vay phải cao (hiện tại các ngân hàng cho vay với lãi suất khoảng trên dưới 10%).
Xét rộng hơn, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay khó thấp hơn vì ngân hàng phải duy trì lãi suất phù hợp với tình trạng năm 2020 khi các doanh nghiệp, tập đoàn đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất từ 10-15%/năm! Thực tế trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công 222.382 tỉ đồng (không tính số trái phiếu ngân hàng- tài chính), trong đó 93% là phát hành riêng lẻ, đã bằng một phần ba số tiền gửi ngành ngân hàng huy động trong cùng thời gian.
Để xác định mức lãi suất cho vay của ngân hàng cao hay thấp, mức độ phù hợp với từng ngành kinh tế hoặc với nền kinh tế một cách chính xác nhất, đòi hỏi phải so sánh với chỉ số tỷ suất lợi nhuận của mỗi ngành kinh tế và nền kinh tế. Rất tiếc là những chỉ số này hiện nay gần như không có và không chính thống.
Hiện nay, để lãi suất cho vay phù hợp hơn với tình trạng mới của nền kinh tế, đòi hỏi từng ngân hàng tính toán mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi hợp lý và rõ ràng hơn. Mức lãi suất cho vay thường bằng lãi suất tiền gửi cộng với biên độ nào đó. Tuy nhiên, biên độ này phải được hình thành có nội dung cụ thể, không phải là 3,5% chung cho mọi khoản vay, với mọi thời kỳ...
Đồng thời, việc quản trị trị tín dụng và áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi cần nhất quán và minh bạch. Quá trình này, NHNN có vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động ngân hàng, thanh tra, kiểm tra và thông tin đầy đủ hơn đến công chúng về các hoạt động huy động vốn và cho vay của ngành ngân hàng.
Xem thêm: lmth.-noh-paht-ohk-yav-ohc-taus-ial-oas-iv/530213/nv.semitnogiaseht.www