Các hãng xe chạy đua trang bị hệ thống trợ lái
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Các hãng xe lớn trên toàn cầu đang tung ra thị trường những mẫu xe được trang bị hệ thống lái tự động (hay còn gọi là trợ lái) và kiểm soát tốc độ, cho phép tài xế buông tay lái trong một số tình huống, giúp giảm bớt áp lực lái xe cho họ.
Trong những năm qua, nhiều hãng xe đã trang bị các công nghệ an toàn mới cho xe của họ nhằm ngăn ngừa tai nạn, chẳng hạn như hệ thống phanh khẩn cấp hay các hệ thống ngăn ngừa xe chạy chệch ra khỏi làn. Giờ đây, có thêm nhiều hãng giới thiệu tính năng trợ lái, giúp tài xế bớt mệt mỏi khi lái xe trong giờ cao điểm hoặc trong hành trình dài.
Giúp tài xế bớt mệt mỏi
Một số hệ thống mới này cho phép tài xế buông tay lái khi đang chạy trên xa lộ hay khi đang chạy trong điều kiện giao thông tắc nghẽn bằng cách sử dụng cảm biến, radar và camera để tự động giữ xe chạy đúng làn, thậm chí chuyển làn và tự kiểm soát tốc độ.
General Motors (GM) là hãng xe lớn đầu tiên quảng bá các hệ thống như vậy vào năm 2017 khi trang bị tính năng rảnh tay Super Cruise cho dòng xe Cadillac, có thể kích hoạt trên hầu hết xa lộ ở Mỹ bằng cách nhấn một nút trên tay lái để chuyển sang chế độ tự động lái và kiểm soát tốc độ. Dù vậy, GM khuyến cáo tài xế luôn quan sát đường xá và không được sử dụng các bị cầm tay như điện thoại khi đang vận hành xe bằng hệ thống này.
Tài xế của hãng xe GM đang thử nghiệm tính năng trợ lái Super Cruise trên dòng xe Cadillac Escalade SUV đời 2021. Ảnh: GM/Reuters |
Hệ thống Super Cruise cũng sẽ quan sát tư thế đầu của tài xế nhằm giám sát mức độ tập trung của họ. Một loạt tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh sẽ được phát ra nếu hệ thống phát hiện họ không tập quan sát đường xá trước mặt để chuyển sang lái trực tiếp bằng tay trong những trường hợp cần thiết.
Giờ đây, GM cho biết sẽ triển khai công nghệ này cho khoảng 24 mẫu xe mới vào năm 2023.
Hãng xe Ford gần đây cho biết sẽ trang bị công nghệ tương tự vào năm sau cho 100.000 xe bán tải F-150 và xe thể thao đa dụng chạy điện Mustang Mach-E.
Hãng xe Honda có kế hoạch tung ra thị trường một mẫu xe sedan ở Nhật Bản trong những tháng tới, cho phép tài xế giao quyền kiểm soát cho hệ thống trợ lái của xe khi xe chạy vào xa lộ hoặc chạy trong những đoạn đường tắc nghẽn giao thông. Honda cho biết công nghệ này thậm chí cho phép tài xế không cần quan sát đường xá. Hồi tháng 11, các cơ quan quản lý ở Nhật Bản đã cấp phép sử dụng đối với công nghệ này.
Trong khi đó, hãng xe điện Tesla gần đây cung cấp cho một số chủ xe Tesla phiên bản thử nghiệm của hệ thống trợ lái Autopilot nâng cấp. Hệ thống này có giá bán 10.000 đô la Mỹ. Tesla gọi đó là ‘hệ thống tự lái hoàn toàn’, cho phép mở rộng áp dụng tính năng tự lái sang nhiều dạng đường xá và bổ sung thêm các tính năng như tự động lái qua các giao lộ trên đường cao tốc.
Triển vọng của xe tự lái tắt dần trong những năm qua khi các nhà phát triển gặp quá nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện công nghệ tự lái. Nhưng các hãng xe đang ráo riết trang bị cho nhiều dòng xe của họ những kết cấu quan trọng của xe tự lái với tên gọi ‘công nghệ trợ lái’ với hy vọng sẽ tăng sức cạnh tranh và doanh số.
“Chúng cho phép các hãng xe cung cấp các tính năng thực sự thú vị và khác biệt cho người tiêu dùng ở điểm giá hợp lý”, Glen De Vos, Giám đốc công nghệ ở Công ty Aptiv PLC, nhà cung cấp phần mềm và các linh kiện sử dụng ở các hệ thống trợ lái, nhận định.
Lo ngại tài xế xao lãng
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng khi tài xế không cần phải sử dụng tay lái nhiều nữa, họ sẽ dễ dàng bị cuốn vào những công việc có thể gây xao lãng có thể dẫn đến tai nạn, như sử dụng điện thoại. “Nếu chúng ta triển khai công nghệ này cho xe, chúng ta cần lưu ý tài xế sử dụng nó theo cách hợp lý”, Bryan Reimer, nhà nghiên cứu hệ thống trợ lái ở Viện Công nghệ Massachusetts, nói
Một số chuyên gia khác chỉ trích việc Tesla quảng bá phiên bản nâng cấp mới nhất của hệ thống trợ lái Autopilot như là hệ thống tự lái hoàn toàn vì nó chưa đạt đến cấp độ đó. Họ cũng cho rằng một hệ thống đang trong giai đoạn thử nghiệm như vậy không nên cho phép tài xế thử dùng trên các đường xá công cộng.
Trước đây, Tesla cho biết tỷ lệ tai nạn giảm khi các tài xế xe Tesla sử dụng hệ thống trợ lái Autopilot. Để hạn chế sự xao nhãng khi lái xe, nhiều hãng xe đã lắp đặt các hệ thống giám sát tài xế dựa vào camera, cho phép theo dõi mức độ tập trung của tài xế và phát tín hiệu cảnh báo khi họ xao lãng.
Hai hãng xe GM và BMW đã sử dụng công nghệ này để giúp tài xế tập trung lái xe. Ford và các hãng xe khác dự định trang bị nó cho các mẫu xe mới trong tương lai. Glen De Vos cho biết công ty ông đang làm việc với năm nhà sản xuất ô tô để trang bị hệ thống theo dõi mức độ tập trung của tài xế dựa vào camera cho các mẫu xe của họ.
GM cho hay cho đến nay các chủ sở hữu dòng xe Cadillac đã sử dụng công nghệ rảnh tay Super Cruise cho các hành trình dài tổng cộng 10,5 triệu km. Mario Maiorana, kỹ sư trưởng phụ trách hệ hống Super Cruise của GM, tiết lộ hệ thống này đã trở thành một lợi điểm bán hàng với 85% chủ xe Cadillac nói rằng nó là một yếu tố quan trọng khi họ cân nhắc mua xe lần kế tiếp.
Ông cho biết một nâng cấp gần đây ở hệ thống Super Cruise, cho phép giám sát ánh mắt tài xế, thay vì chỉ quan sát tư thế đầu của họ, giúp phát hiện tốt hơn liệu tài xế có tập trung quan sát đường hay không. Một dự luật, được giới thiệu ở Thượng viện Mỹ trong năm nay, yêu cầu Bộ Giao thông Mỹ nghiên cứu xem liệu các hệ thống giám sát tài xế có giúp giảm sự xao nhãng của họ khi lái xe hay không và có thể yêu cầu lắp đặt chúng cho các mẫu xe mới trong tương lai.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.ial-ort-gnoht-eh-ib-gnart-aud-yahc-ex-gnah-cac/871213/nv.semitnogiaseht.www