Nguy cơ trốn thuế, rửa tiền qua cổng thanh toán quốc tế là điều có thể thấy rõ. Việt Nam phải làm gì để kiểm soát dòng tiền này?
Liên quan đến tình trạng trốn thuế khi giao dịch qua các cổng thanh toán quốc tế tại Việt Nam như Paypal, Payoneer,... phóng viên Báo Lao Động (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hòe - chuyên gia tài chính ngân hàng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) về vấn đề này.
Theo ông, những nguy cơ của việc giao dịch qua các cổng thanh toán quốc tế chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép là gì?
Thực tế việc chuyển tiền qua Internet đã rất thông dụng trên thế giới và Việt Nam. Vấn đề ở đây là kiểm soát những biến tướng đằng sau.
Tiêu biểu như Paypal và một số cổng trung gian thanh toán khác, người ta có thể tiến hành giao dịch trao đổi, bù trừ ngoại tệ với nhau ngay ở trên tài khoản và cả giao dịch "chợ đen".
Đặc biệt trên mạng Internet, một người có thể sử dụng nhiều tài khoản ảo để lách luật, trốn thuế. Ví dụ, hạn mức tiền được phép mang ra nước ngoài là 5.000 USD, nhưng chuyển tiền qua mạng không ai có thể khống chế được. Thậm chí, chuyển một lúc mấy chục ngàn USD cũng không ai kiểm soát.
Đáng chú ý là hiện tượng chảy máu ngoại tệ. Khi người dân có nhu cầu chuyển tiền cho con du học, đầu tư, mua thẻ xanh định cư... điều này sẽ nảy sinh kết nối giữa thị trường ngoại tệ trên mạng với thị trường ngoại tệ ngầm ở Việt Nam.
Câu chuyện này có thể diễn ra rất nhộn nhịp và khủng khiếp. Nhưng cơ quan thuế không thu được đồng nào.
Như vậy việc rửa tiền từ Việt Nam ra nước ngoài qua các cổng trung gian thanh toán quốc tế, không phải kê khai nguồn gốc thu nhập, không rõ đã đóng thuế hay chưa nhưng cứ chuyển một cách tràn lan qua mạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông cần làm gì để kiểm soát những nguy cơ chảy máu ngoại tệ, rửa tiền, trốn thuế như đã nói ở trên?
Việt Nam không có một cổng thanh toán chung, duy nhất để kiểm soát dòng tiền ra-vào quốc gia. Đáng lẽ những dòng tiền ấy đều phải được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát.
Kinh nghiệm từ một số nước khi làm luật thanh toán, người ta quy định rằng, một quốc gia chỉ có một cổng thanh toán duy nhất để kiểm soát toàn bộ câu chuyện thanh toán qua biên giới.
Tôi cho rằng không phải Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý không nhìn thấy câu chuyện này. Tới đây, luật về thanh toán hoặc một nghị định mới về thanh toán có thể sẽ lường đoán câu chuyện này để khống chế.
Về thuế, chuyển tiền xuyên biên giới kiểu này là thiên biến vạn hoá. Người ta có thể giao dịch, mua bán với nhau ngay trên tài khoản PayPal, Payoneer... Tỷ giá mua bán do người ta thỏa thuận. Trong trường hợp lập ra nhiều tài khoản ảo nữa thì rất khó để truy xuất hết được tất cả những nguồn gốc, chứng từ mà đánh thuế.
Một điểm nữa, cơ quan thuế không thể nắm được doanh thu về phí của các giao dịch. Cụ thể, phí của PayPal, Payoneer thu được cũng như phí của người kiếm được qua chênh lệch mua bán ngoại tệ, cơ quan thuế không thể nắm được mà đánh thuế.
Vậy giải pháp để chống kẽ hở trong quản lý cổng thanh toán quốc tế tại Việt Nam là gì?
Cái gốc của vấn đề là Việt Nam cần một cổng duy nhất để thanh toán ra vào nền kinh tế, như vậy mới kiểm soát được dòng tiền.
Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cập nhật xu hướng biến đổi của công nghệ. Cơ quan quản lý nhà nước phải theo kịp câu chuyện công nghệ phát triển. Từ đó, hành lang pháp lý cũng phải thay đổi thì mới cải thiện được.
Đối với cơ quan thuế, nâng cao trình độ của cán bộ là yếu tố quan trọng để truy xuất được những giao dịch xuyên biên giới.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, không chỉ hai cơ quan chịu trách nhiệm chính là Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thuế mà kể cả các cơ quan như công an, bộ, ban ngành liên quan cũng cần phải vào cuộc. Bởi nếu dòng tiền không được kiểm soát chặt chẽ thì rất khó trong việc bảo đảm được dòng ngoại hối ra vào. Cái này nếu nhìn ở góc độ chiến lược sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường ngoại hối, câu chuyện tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ.
Trước đó, Báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng "Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế". Cụ thể, theo danh sách được công bố, các cổng thanh toán quốc tế Paypal, Payoneer,... vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Những cổng trung gian này cung cấp dịch vụ cho phép chuyển và nhận tiền xuyên quốc gia thông qua mạng internet.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi, cổng thanh toán trực tuyến quốc tế hiện đang trở thành công cụ đắc lực cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn tránh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, các giải pháp để quản lý và kiểm soát các hoạt động trên tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách.
Xem thêm: odl.511468-et-iaogn-uam-yahc-nahc-pahp-iaig-et-couq-naot-hnaht-gnoc-auq-euht-nort/et-hnik/nv.gnodoal