Sau khi Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực, Bộ Công Thương sẽ đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái.
Sau ngày 31.12.2020, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực và đến nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương, chính vì vậy, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời áp mái đang "ngóng" cơ chế giá mới để đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), thời điểm này, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ cho cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020.
Theo vị này, hiện nay, giá thành các tấm quang điện mặt trời đã "hạ nhiệt", cho nên, sau ngày 31.12.2020, Bộ Công Thương sẽ đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái.
Trước đó, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định: "Sẽ không có giá fit cho điện mặt trời sau năm 2020".
Theo sơ đồ điện VII, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 850MW điện mặt trời. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định số 11 và Quyết định số 13 của Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời, đến hết năm 2020, chúng ta có hơn 10.000MW điện mặt trời, gấp hơn 10 lần quy hoạch phát triển sơ đồ VII. Tính chung tổng quy hoạch điện gió và điện mặt trời là 40.000MW.
"Không phải muốn bao nhiêu điện mặt trời cũng được, mà phải phù hợp với tỷ lệ cho phép. Theo tính toán của chúng tôi, để đảm bảo vận hành cung cấp điện, chúng ta chỉ có thể bổ sung được khoảng 4.500MW điện mặt trời và 7.700MW điện gió", ông Hùng nói.
Còn về điều chỉnh giá fit cho điện gió, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và lấy ý kiến các bộ ngành về việc kéo dài giá fit cho điện gió, giá điều chỉnh có thể sẽ giảm xuống cho phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, sau năm 2020, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khách quan minh bạch.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực thuộc EVN sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời áp mái (đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống) vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h00 ngày 31.12.2020.
Đối với các hệ thống điện mặt trời áp mái vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h00 ngày 31.12.2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.
Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31.12.2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các công trình điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31.12.2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Xem thêm: odl.211668-0202-man-uas-iort-tam-neid-aum-aig-maig-taux-ed-es/et-hnik/nv.gnodoal