Cổ phiếu ngân hàng gia tăng tầm ảnh hưởng
Kết thúc tuần giao dịch từ 21 - 25/12, VN-Index dừng ở mức 1.084,42 điểm, tương ứng tăng 16,96 điểm (1,6%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng tăng 15,44 điểm (8,7%) lên 192,46 điểm. UPCoM-Index tăng 1,99 điểm (2,8%) lên 72,94 điểm.
Tuần qua, thị trường chứng khoán được quan tâm nhiều hơn xung quanh việc một loạt cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn. Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2019, chỉ 1 ngân hàng đăng ký giao dịch thành công trên UPCoM. Và đến cuối năm 2019, mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Nửa đầu năm 2020, không có ngân hàng nào lên sàn thành công, một phần do tác động của Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư gần như đã thôi đón chờ cổ phiếu ngân hàng trong năm nay. Bất ngờ, tháng cuối năm, thị trường chứng kiến cuộc đổ bộ rầm rộ của các ngân hàng trên sàn chứng khoán. Thống kê cho thấy, năm 2020, 9 ngân hàng lên sàn và chuyển sàn thành công.
VietCapitalBank, NamABank, Saigonbank, PGBank và ABBank chính thức giao dịch trên Upcom. Trong khi, ACB chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE, LienVietPostBank và VIB chuyển từ UPCoM lên niêm yết HoSE. MSB niêm yết thẳng lên HoSE.
Ngoài ra, 3 ngân hàng khác là SHB, OCB và SeABank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE nhưng chưa có thông báo mới. Nam A Bank mới đây cũng nộp hồ sơ xin chuyển sàn. Khả năng việc chính thức lên sàn HoSE của những nhà băng này sẽ được chấp thuận vào đầu năm 2021.
Năm 2020, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng từ 50 - 100%. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán VPS, có nhiều lý do để giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Thứ nhất, tài chính ngân hàng là nhóm ngành cơ bản của nền kinh tế; nên khi nền kinh tế hồi phục thì nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được nhà đầu tư tin tưởng hơn. Ngay cả từ thời kỳ trước đây thì cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá là cổ phiếu phòng thủ an toàn. Bởi vậy, khi nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt sẽ tạo hiệu ứng tích cực để các nhà đầu tư ưu tiên mua vào nhóm cổ phiếu này.
Một yếu tố quan trọng nữa là hiện tại có một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, VPB, SHB… được lọt vào bộ chỉ số của HoSE như VN30, VN DIAMOND, VN FINSELECT, VN FINLEAD với tỷ trọng đáng kể. Các ngân hàng lọt vào trong danh mục trên có lợi thế rất lớn bởi các nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư ngoại sẽ dựa vào chỉ số này để quyết định đầu tư cổ phiếu.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt.
Do cầu vay vốn suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch, tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019.
Đến hết năm 2020 tín dụng ước tính sẽ tăng 11%. Năm 2021, NHNN dự kiến lấy 12% là con số mục tiêu nhưng có thể mở rộng hơn lên 13 - 14%, đây là các chỉ tiêu không bắt buộc và sẽ cân đồi phù hợp với tình hình thị trường và nền kinh tế.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021?
Giới chuyên gia cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời, tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), việc chuyển sang sàn HoSE từ HNX và UPCoM sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao.
Trong khi đó, SSI Research cho rằng, chính việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HoSE giúp giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm. Việc niêm yết trên HoSE có thể mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, trong đó cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu sẽ được định giá lại, nếu được chuyển niêm yết sang HoSE.
Nhu cầu hối thúc chuyển sàn một phần có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HoSE. Việc niêm yết trên HoSE cũng có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn.
Trong báo cáo mới đây của VNDirect, nhóm chuyên gia của công ty này giả định nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020 và năm 2021. VNDirect dự báo năm 2020 tín dụng tăng trưởng khoảng 9% và năm 2021 tầm 13 - 14%.
Do đó, các ngân hàng có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng phục hồi trong năm 2021, dù ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý các ngân hàng trong năm sau cần tiếp tục củng cố quản trị rủi ro đối với những khoản cho vay tồn đọng. Bên cạnh đó, là tính đến cải tiến cách vận hành để định vị và thêm vào những khách hàng mới, sẽ xuất hiện nhờ những ưu đãi trong chính sách vĩ mô đối với nền kinh tế.
Về triển vọng gia tăng giá trị nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021, bản chất dòng tiền các nhà đầu tư tham gia rất mạnh, thanh khoản thị trường quá tốt, nên việc các ngân hàng lên sàn cung cấp thêm cổ phiếu mới cho thị trường lựa chọn. Điều mà nhà đầu tư quan tâm là triển vọng của từng ngân hàng triển vọng như thế nào.
Tất nhiên, khi thị trường lên nhà đầu tư mua dàn trải nhiều cổ phiếu và đây là nền tảng giúp giá cổ phiếu ngân hàng lên tiếp. Nhưng, sau khi thị trường qua giai đoạn tốt nhất sẽ đi vào giai đoạn điều chỉnh hoặc do sự kiện mới làm đảo lộn thị trường thì chỉ có ngân hàng nào tốt nhất, có thực lực mới thu hút được dòng tiền, giá vẫn giữ được. Còn ngân hàng nào yếu hơn sẽ bị thị trường định giá lại theo xu hướng giảm.
Xem thêm: lmth.6800341009061-nas-nel-iom-gnah-nagn-ueihp-oc-mohn-iov-nahp-gnuh-xedni-nv/nv.semitaer