Một nhân viên an ninh và nhiều người bỏ chạy tán loạn trong vụ tấn công xảy ra tại sân bay Aden sau khi một máy bay chở đoàn quan chức chính phủ mới thành lập vừa hạ cánh ngày 30-12-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, thảm kịch xảy ra sau khi một máy bay chở đoàn quan chức chính phủ chia sẻ quyền lực mới thành lập của Yemen vừa hạ cánh.
Nguồn tin từ bệnh viện cho biết tại Aden, thành phố được coi là thủ đô lâm thời của chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, đã xảy ra một loạt vụ nổ tại sân bay ở đây làm "ít nhất 26 người chết" và hơn 50 người bị thương.
Hãng tin Reuters cho biết số liệu thương vong thấp hơn với ít nhất 13 người chết và hàng chục người bị thương.
Cũng theo hãng tin này, nhiều giờ sau vụ tấn công ở sân bay Aden, một vụ nổ thứ hai có thể nghe thấy ở gần dinh tổng thống Maasheq tại Aden. Đó cũng là nơi các thành viên nội các chính phủ mới trong đó có Thủ tướng Maeen Abdulmalik và đại sứ Saudi Arabia tại Yemen đã được đưa tới trú ẩn.
Trong vụ tấn công ở sân bay, những tiếng nổ lớn cùng với tiếng súng đã vang lên sau khi máy bay chở đoàn quan chức chính phủ từ Riyadh hạ cánh.
Hiện chưa có bên nào tuyên bố nhận trách nhiệm hai vụ tấn công đánh bom. Lực lượng Houthi tuyên bố không liên quan vụ việc. Các số liệu thương vong chắc chắn sẽ còn thay đổi.
"Chúng tôi và các thành viên chính phủ đang ở thủ đô lâm thời Aden và mọi người đều ổn", Thủ tướng Maeen chia sẻ thông tin lên tài khoản Twitter từ dinh Maasheq.
"Hành động tấn công khủng bố hèn hạ đã nhằm vào sân bay Aden là một phần của cuộc chiến tranh chống lại đất nước Yemen và nhân dân vĩ đại", Thủ tướng Maeen viết tiếp.
Khói bụi mù mịt sau các vụ nổ ở sân bay Aden sau khi một máy bay chở đoàn quan chức chính phủ mới thành lập vừa hạ cánh ngày 30-12-2020 - Ảnh: REUTERS
Chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi và lực lượng ly khai ở miền Nam đã thành lập nội các mới như một phần nội dung trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Saudi Arabia bảo trợ.
Thành phố cảng miền nam Aden đã bị nhấn chìm trong bạo lực vì xung đột giữa lực lượng ly khai miền nam và chính phủ của Tổng thống Hadi.
Lực lượng ly khai miền nam từng tuyên bố thành lập chính quyền tự trị tại miền nam Yemen trong tháng 4 năm nay, sự việc làm kích động các cuộc giao tranh và gây khó khăn cho các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc dàn xếp thực thi một lệnh ngừng bắn tại đây.
Yemen đã sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi các tay súng Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.
Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Ả Rập do Saudi Arabia chủ trì đã can thiệp vào tình hình tại Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Từ cuối tháng 9-2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực.
Theo Liên Hiệp Quốc, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, và gây ra thảm kịch nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
TTO - Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 25-9 (giờ Mỹ) đã lên tiếng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Saudi Arabia chấm dứt các cuộc tấn công vào nước láng giềng Yemen.
Xem thêm: mth.28275652203210202-tehc-iougn-62-tahn-ti-nemey-yab-nas-o-taol-gnah-on/nv.ertiout