Thực tế cho thấy du lịch là ngành rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh. Bởi vậy, sự phụ thuộc vào một số thị trường là rất nguy hiểm vì nếu có vấn đề gì xảy ra thì ngành du lịch sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Du khách vui chơi, ngắm TP.HCM trên du thuyền năm sao. Ảnh: TÚ UYÊN
Chính vì vậy, theo các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, việc tái cơ cấu thị trường du lịch gồm cả nội địa lẫn quốc tế là rất cấp bách.
Tập trung khai thác thị trường trọng điểm
Hiện nay thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa. Với thị trường trong nước, du khách có tâm lý e ngại di chuyển xa, có nhu cầu đi du lịch nhóm nhỏ và tự túc gia tăng. Do vậy, ngành du lịch TP.HCM xác định một số thị trường mục tiêu cụ thể.
Đối với thị trường nội địa, TP.HCM xác định khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên là thị trường trọng điểm. Các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Nam Trung bộ là thị trường tiềm năng nhờ cự ly di chuyển gần.
Ngoài ra, TP.HCM đã có thỏa thuận liên kết phát triển du lịch với 21 tỉnh, thành nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi phục vụ du khách.
Đối với thị trường quốc tế, Sở Du lịch TP.HCM đang phối hợp cùng các công ty chuẩn bị các thông tin, tư liệu để truyền thông khi Chính phủ mở cửa trở lại. Trong đó, sản phẩm du lịch ưu tiên hướng đến thị trường khách như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là những thị trường đã khống chế xong dịch bệnh hoặc có số ca nhiễm ít ngay từ đầu dịch và hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đối với các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ…, ngành du lịch cũng đang có những bước chuẩn bị để đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc khi có vaccine ngừa bệnh.
Đề xuất cơ chế trao đổi khách song phương
Việc cơ cấu lại nguồn khách đã được cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng hết sức quan tâm trong thời gian qua vì nhiều lý do. Ví dụ sự phát triển quá nóng của một số nguồn khách, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc làm mất cân đối trong cơ cấu nguồn khách, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Do đó, đối với thị trường nội địa trong ngắn hạn từ nay đến năm 2022, ngoài các thị trường truyền thống là TP.HCM, Hà Nội và các khu vực lân cận, ngành du lịch Đà Nẵng chú trọng hơn tới du khách là người địa phương, khai thác nguồn khách gia đình, khách trẻ tuổi.
Trong dài hạn, mở rộng khai thác một cách toàn diện đến tất cả địa phương trong cả nước, dựa trên bốn trụ cột về sản phẩm du lịch đặc thù. Đó là nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…), du lịch văn hóa lịch sử và du lịch đô thị.
Đối với khách quốc tế, trong ngắn hạn đến năm 2023, tập trung trọng điểm vào các thị trường gần, kiểm soát tốt dịch bệnh như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… Chúng tôi có thể sẽ đề xuất cơ chế trao đổi khách song phương với một số điểm đến, sau đó từng bước mở rộng ra các thị trường khác.
Sau khi hình thành hệ thống sản phẩm đủ tốt, các đơn vị kinh doanh du lịch Đà Nẵng sẽ nỗ lực quảng bá, xúc tiến, truyền thông điểm đến qua các kênh báo chí, Internet, mạng xã hội, hội chợ... Đặc biệt, có chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không mở các đường bay mới từ các thị trường đến Đà Nẵng.
Các nước phân vùng để đón khách Trung Quốc
Lâu nay Nha Trang vẫn đón khách châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ… nhưng lượng khách này đến ít hơn so với khách Trung Quốc.
Chúng tôi cũng đã bàn về câu chuyện vì sao không nên phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khách Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường quan trọng của Nha Trang, Khánh Hòa. Bởi vì cả Khánh Hòa có 50.000 phòng, nếu chỉ dựa vào khách nội địa hay các phân khúc thị trường khác thì không lấp đầy hết công suất phòng.
Như vậy, nếu để bỏ thị trường khách Trung Quốc chuyển sang thị trường khác thì khó khăn và không quốc gia nào làm được. Tuy vậy, một số nước như Thái Lan, Nhật Bản… phân vùng, khu vực để đón khách Trung Quốc. Việc phân khu vực đón tiếp tùy điều kiện của từng địa phương.
Nhìn chung, chúng tôi vẫn đa dạng hóa thị trường nhưng phục vụ khách nào là tùy vào mùa.
du lịch:
Thu hút khách Trung Quốc chất lượng
Tái cơ cấu thị trường du lịch để phát triển bền vững đã được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thể thay đổi được nhiều. Nguyên nhân một phần do chính sách mở cửa visa, miễn visa chưa có thay đổi nhiều. Mặt khác, do bệnh thành tích còn ngấm quá sâu trong ngành dẫn đến việc thường quan tâm đến số lượng khách thay vì chất lượng.
Có ý kiến cho rằng chúng ta phải công bằng với tất cả thị trường, không phân biệt khách Trung Quốc với khách từ các thị trường khác. Đúng là chúng ta không nên phân biệt đối với khách Trung Quốc, nhưng thay vì cứ tập trung vào phân khúc đại chúng theo các tour không đồng thì cần tập trung thu hút khách Trung Quốc từ phân khúc cao cấp.
Ngành du lịch cần thực hiện tái cơ cấu theo quan điểm chiến lược đã xác định là chuyển phát triển du lịch từ diện rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng và theo nguyên tắc “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Có như vậy mới giảm thiểu được cái rủi ro. Chúng ta đã thấm thía bài học này.
Rủi ro lớn vì quá phụ thuộc vào một số thị trường Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Theo Bộ VH-TT&DL, tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ USD. Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng ngành du lịch cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách. Bởi thời gian qua, du lịch nước ta quá phụ thuộc vào thị trường Ðông - Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với khoảng 66,8% tổng lượng khách quốc tế. Thực tế có những thời điểm du lịch Việt Nam đã phải hứng chịu rủi ro trước sự sụt giảm đột ngột của khách du lịch Trung Quốc. Trong khi đó, một số thị trường khách có mức chi tiêu cao như châu Âu, châu Mỹ... vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ðiều đó đòi hỏi ngành du lịch phải bảo đảm phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường. Trong đó ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, đồng thời cần chú trọng hơn đến thị trường khách trong nước. Song song đó, cơ cấu lại sản phẩm, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. |