“Đã có hai ca dương tính với virus Corona đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy”. Đó là bản tin Pháp Luật TP.HCM đăng tải ngày 23-1-2020, nhằm ngày 29 tết (âm lịch). Bảy ngày sau, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng Ban chỉ đạo. Từ đó, cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam (VN) chính thức bắt đầu.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng.
Ảnh: TÚ ANH
Thực hiện nghiêm mệnh lệnh chống dịch Du lịch, cuộc sống của người dân đang trở lại trạng thái bình thường để phát triển, do đó người dân không nên lơi lỏng và phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Đây là mệnh lệnh, vì nếu dịch trở lại thì bao nhiêu công lao sẽ đổ bể. Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM |
Giãn cách toàn xã hội 15 ngày vì đại dịch
Chiều 30 tết Nguyên đán năm Canh Tý, Bộ Y tế họp khẩn về virus Corona. Trước tình hình dịch cấp thiết, TP.HCM yêu cầu các nhân viên y tế không rời khỏi TP, sẵn sàng ứng phó với dịch.
Cả nước đồng loạt khai báo y tế, VN là quốc gia đầu tiên yêu cầu khai báo y tế tại tất cả cửa khẩu trong cả nước đối với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc. Thời điểm này, Bộ Y tế thành lập 45 đội cơ động ứng phó dịch.
Ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM nhưng ổ dịch đầu tiên ngành y tế VN dồn sức chiến đấu lại là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Sau kỳ nghỉ tết âm lịch, xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) có tổng cộng 11 người mắc bệnh COVID-19, tất cả đều có nguồn lây nhiễm liên quan đến ổ dịch tại Vũ Hán, Trung Quốc. Hơn 11.000 dân ở địa phương này bị phong tỏa, cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi.
Vào ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Học sinh trên cả nước có kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử, kéo dài đến gần hết tháng 2.
Giai đoạn này (giai đoạn 1 - PV), số người mắc COVID-19 ở VN dừng lại ở con số 16. Đến ngày 26-2, toàn bộ 16/16 bệnh nhân (BN) mắc bệnh COVID-19 khỏi bệnh.
Ngành y tế VN giữ sạch lưới được 18 ngày sau giai đoạn 1 thì đến tối 6-3, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, BN thứ 17 là một BN nữ, 26 tuổi, trên chuyến bay VN0054 từ London về Hà Nội vào ngày 2-3, lây cho ba người là bác (BN19), người giúp việc và tài xế.
Những ngày sau đó liên tiếp ghi nhận các BN đi trên các chuyến bay từ các nước Anh, Pháp, Hàn Quốc... Nhiều địa phương trên cả nước công bố ca bệnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM. Đồng thời xuất hiện các ổ dịch lớn tại BV Bạch Mai (Hà Nội), ổ dịch Hạ Lôi, ổ dịch thôn Văn Lâm.
Ngày 11-3, WHO chính thức công bố bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, ngày 31-3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị có hiệu lực thi hành từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc. Cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội (giãn cách xã hội) trong vòng 15 ngày. Đây là động thái hiếm hoi trong lịch sử, đánh dấu mức độ ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch.
Những chuỗi ngày mất dấu FO ở Đà Nẵng
Thử thách của ngành y tế thực sự khó khăn hơn khi bước vào giai đoạn 3, sau đúng 100 ngày VN không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
BN 416 được xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại Đà Nẵng vào ngày 23-7. Trong cuộc chiến này, ngành y tế thừa nhận đã mất dấu F0, bên cạnh đó dịch đã vào Đà Nẵng một thời gian khá lâu, vì vậy công tác truy vết các F1, F2 gặp rất nhiều khó khăn.
Đà Nẵng và một số địa điểm của Quảng Nam, Quảng Ngãi phải giãn cách xã hội.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cử Đội chỉ huy tiền phương chống dịch do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu vào Đà Nẵng chống dịch. Đồng thời huy động các bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế từ các địa phương trên cả nước hỗ trợ Đà Nẵng và các tỉnh lận cận như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trong cuộc chiến cam go này, Thứ trưởng Sơn xin ý kiến Thủ tướng cho ở lại tâm dịch đến khi tình hình được kiểm soát sẽ trở về.
Và đúng như những gì ngành y tế dự đoán, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng liên tục tăng, có thời điểm ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Các ca COVID-19 liên quan đến Đà Nẵng lan đi nhiều nơi, từ Thái Bình, Hà Giang, Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Hải Dương.
Đây cũng là giai đoạn VN ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 31-7, cùng với đó là 34 BN có tiền sử nhiều bệnh nền, mắc COVID-19 lần lượt không qua khỏi. Lúc này, Đà Nẵng, Quảng Nam hoãn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Những kỳ tích điều trị được xác lập Nhìn lại hành trình chống dịch COVID-19 suốt một năm qua, chúng ta không thể quên nhắc nhớ về những kỳ tích điều trị BN COVID-19. Đó là BN91 - phi công người Anh, có thời điểm phổi đông đặc hơn 90%, hôn mê nhiều ngày liên tiếp vẫn có thể hồi phục kỳ diệu nhờ đội ngũ y, bác sĩ BV Chợ Rẫy TP.HCM. Đó là BN19, có thời điểm bà được đánh giá tiên lượng rất nặng nhưng với sự cố gắng hết sức của BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BN19 đã vượt qua cửa tử, bước đi được sau những ngày dài hôn mê. Hay với những BN có bệnh nền phức tạp, như cụ bà 100 tuổi ở Quảng Nam, đều có thể chiến thắng cuộc chiến chống COVID-19. Đó chính là những kỳ tích của ngành y tế. |
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Đà Nẵng kéo dài đến ngày 30-8 thì được kiểm soát. Cả nước giữ nguyên thành quả 0 ca cộng đồng đến ngày 30-11.
Những ngày cuối năm, trên thế giới xuất hiện biến chủng mới của COVID-19, biến chủng này được đánh giá lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, tình hình nhập cảnh trái phép ở các cửa khẩu diễn biến phức tạp, lơi lỏng cách ly đã dẫn đến Vĩnh Long, TP.HCM vẫn ghi nhận một số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, về cơ bản, dịch COVID-19 đang được các địa phương kiểm soát tốt.
Ngày 30-12, tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở ngành y tế, ngành công an luôn có trách nhiệm ở mức cao nhất để giữ bằng được an toàn trước đại dịch.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải gương mẫu, nhất là các cơ sở y tế, trạm y tế phải tự kiểm tra các quy định an toàn. Đề nghị các cơ sở y tế phải cập nhật biện pháp chống dịch, cơ sở nào không đảm bảo thì yêu cầu đóng cửa, không được dễ dãi với nhau.