vĐồng tin tức tài chính 365

2020 - năm vượt khó của tăng trưởng GDP

2020-12-31 11:38

2020 - năm vượt khó của tăng trưởng GDP

Đăng Linh

(TBKTSG) - Với gia tốc hồi phục như hiện tại, có nhiều lý do để kỳ vọng GDP trong năm 2021 của Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch Covid-19.

Thủy sản - một trong những ngành được kỳ vọng sẽ lấy lại được mức tăng trưởng dương trong năm 2021. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020

Việt Nam bước vào năm 2020 với nhiều kỳ vọng về tăng trưởng nhờ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu nhằm tránh xung đột Mỹ-Trung, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Mặc dù vậy, sự kiện “thiên nga đen” Covid-19 xuất hiện ngay từ tháng 1 tại Vũ Hán (Trung Quốc) rồi nhanh chóng lan ra toàn cầu (trong đó có Việt Nam) đã khiến cho mọi kế hoạch trở nên bất khả thi. Kinh tế thế giới lao dốc không phanh, các chuỗi cung ứng toàn cầu có thời điểm bị đứt gãy, các đợt giãn cách xã hội trên quy mô cả nước khiến sức cầu nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với việc kiểm soát dịch bệnh thành công, tăng trưởng GDP của Việt Nam sau khi lập đáy vào quí 2-2020 đã nhanh chóng bật tăng mạnh trở lại trong hai quí cuối năm, giúp tăng trưởng cho cả năm đạt mức 2,91%, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm vừa qua.

Trên thực tế, nếu nhìn các số liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê công bố trong ba tháng cuối năm thì có thể thấy đà hồi phục kinh tế đang diễn ra khá mạnh, theo hình chữ V. Điển hình như chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12-2020 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019, gần bằng mức tăng trưởng như trước khi có dịch xảy ra. Doanh số bán lẻ tháng 12 cũng tăng 9,4% so với cùng kỳ, cho thấy sức cầu trong nước đang hồi phục nhanh. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu riêng trong tháng 12-2020 bất ngờ tăng mạnh 22,7% so với tháng 12-2019, cho thấy triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới và niềm tin của giới doanh nghiệp trong nước đang cải thiện nhanh (do phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu). Với gia tốc hồi phục như hiện tại, có nhiều lý do để kỳ vọng GDP trong năm 2021 của Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch bệnh.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 được đánh giá sẽ bật tăng mạnh trở lại (quanh mức 7%) từ nền thấp của năm 2020. Về phía cung, sự hồi phục sẽ đến chủ yếu từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Về phía cầu, sự cải thiện sẽ đến từ cầu tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư và xuất khẩu.

Chính sách “tiền rẻ” sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm 2021

Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, trong năm 2020, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ một cách quyết liệt bằng cách hạ lãi suất điều hành và tăng cường các gói nới lỏng định lượng (QE). Trong khi đó, ở phương diện chính sách tài khóa, các gói chi tiêu quy mô lớn cũng được ban hành với việc tăng đầu tư cho y tế, cơ sở hạ tầng, công nghệ và trợ cấp trực tiếp cho người lao động mất việc. Nhờ các chính sách quyết liệt nêu trên, nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới đã dần ổn định trở lại. Trong hai quí cuối năm 2020, mặc dù việc mở rộng các chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có phần chững lại, nhưng cam kết hỗ trợ cho hệ thống tài chính trong trường hợp cần thiết của các ngân hàng trung ương trên vẫn rất mạnh. Điều này là một sự đảm bảo, giúp củng cố tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trên nền những cam kết đó, môi trường lãi suất thấp được dự báo sẽ vẫn được duy trì trong năm 2021. Có ba lý do để tin tưởng vào xu hướng trên. Thứ nhất, tăng trưởng GDP của các nước tuy đã hồi phục nhanh trong quí 3-2020 nhưng đà hồi phục chưa vững chắc, nhất là trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 và biến thể mới xuất hiện gần đây tại Anh khiến Mỹ và nhiều nước châu Âu phải hạn chế các hoạt động kinh tế trở lại trong quí 4. Một khi đà hồi phục kinh tế còn nhiều bất định, các ngân hàng trung ương sẽ chưa thể “mạo hiểm” rút lại các gói kích thích kinh tế. Thứ hai, lạm phát của các nền kinh tế lớn hiện cũng còn cách rất xa mục tiêu 2%, do vậy chưa tạo áp lực phải thắt chặt tiền tệ. Thứ ba, thâm hụt ngân sách lớn khiến tỷ lệ nợ công tăng cao sau dịch Covid-19 cũng là lý do khiến chính phủ các nước có động cơ duy trì mức lãi suất thấp để kiểm soát sự an toàn của nợ công.

Tại Việt Nam, cùng chung xu hướng “tiền rẻ” với thế giới, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm 120-150 điểm cơ bản trong năm 2020 sau ba lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo mặt bằng lãi suất dài hạn trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ ổn định ở mức thấp, tương đương mặt bằng cuối năm 2020 nhờ hai yếu tố: xu hướng duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới và lạm phát trung bình cho cả năm 2021 vẫn được kiểm soát ngang bằng mức của năm 2020 (3-3,5%).

Trên cơ sở đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 được đánh giá sẽ bật tăng mạnh trở lại (quanh mức 7%) từ nền thấp của năm 2020. Về phía cung, sự hồi phục sẽ đến chủ yếu từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ - vốn là hai khu vực đã chịu tác động rất mạnh từ dịch Covid-19. Về phía cầu, sự cải thiện sẽ đến từ cầu tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư và xuất khẩu.

Đối với cầu tiêu dùng, doanh số bán lẻ có thể sẽ tăng quanh mức 10% với sự dẫn dắt của bán lẻ hàng hóa. Điều này dựa trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát và thị trường lao động dần hồi phục (tỷ lệ thất nghiệp đã bắt đầu giảm trong khi thu nhập bình quân của người lao động cũng đã tăng trở lại từ quí 3-2020). Thu nhập được đảm bảo và không còn những đợt giãn cách lớn trên quy mô toàn quốc là điều kiện cần để cầu tiêu dùng tăng trở lại. Trong khi đó, vốn đầu tư toàn xã hội nhiều khả năng cũng sẽ phục hồi với mức tăng 8-10% nhờ đầu tư công được duy trì, vốn đầu tư tư nhân bật tăng mạnh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Về xuất khẩu, với việc tình hình dịch Covid-19 có thể dần được kiểm soát và kinh tế các nước Mỹ, EU khởi sắc trở lại, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... được kỳ vọng sẽ lấy lại được mức tăng trưởng dương trong năm 2021. Thị trường EU được dự báo có nhiều cơ hội với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, hai rủi ro tiềm ẩn đối với đà hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 là dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp và Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế trừng phạt sau cuộc điều tra chống thao túng tiền tệ. Tuy vậy, xác suất xảy ra những rủi ro trên hiện được đánh giá ở mức trung bình thấp. 

Xem thêm: lmth.pdg-gnourt-gnat-auc-ohk-touv-man--0202/222213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“2020 - năm vượt khó của tăng trưởng GDP”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools