Những bài học kinh nghiệm cần rút ra sau lần ùn tắc xuất khẩu nông sản vừa qua
Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 ngày 31/12, một lần nữa Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định vai trò mấu chốt của thị trường tiêu thụ trong nước.
“Trong giai đoạn xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thị trường trong nước một lần nữa lại là kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, thể hiện tinh thần đoàn kết khó có được”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT biểu dương việc nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến trong nước sẵn sàng sát cánh giúp tiêu thụ nông sản bị ùn ứ và yêu cầu các đơn vị xuất khẩu phải nhìn nhận, đánh giá lại về tiềm năng của thị trường tiêu thụ nội địa.
Thứ trưởng khuyến cáo, bài học kinh nghiệm rút ra từ lần ùn tắc xuất khẩu này là các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy theo hướng đa thị trường, đa lợi ích, tránh sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường dẫn đến bị động trong công tác sản xuất, xuất khẩu.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần cập nhật thông tin kịp thời, các doanh nghiệp cần hết sức chú ý theo dõi biến động, tránh những suy nghĩ chủ quan khiến tình hình ở các cửa khẩu trở lên phức tạp hơn.
“Thông tin về tình trạng ùn tắc xuất khẩu nông sản đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với các ban ngành, báo chí truyền thông liên tục cập nhật nhưng cho đến hôm nay, vẫn còn có doanh nghiệp viện dẫn do thị trường Trung Quốc nhập với giá cao hơn để đưa hàng lên. Tôi xin thông báo, hiện giờ, phía Trung Quốc đã ngừng nhập thanh long rồi. Cần phải thay đổi ngay suy nghĩ này”.
Theo Thứ trưởng, ngay khi xuất hiện thông tin ách tắc thông quan, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với các doanh nghiệp chế biến, tập đoàn bán lẻ để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là vấn đề về nhạy bén tư duy, chủ động ứng phó với tình huống.
Tuy nhiên, để người nông dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy cần phải xem xét nhiều khía cạnh vấn đề, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, kịp thời cập nhật thông tin qua các Hiệp hội, ngành hàng. Từ đó dần thay đổi nhận thức của các thành phần kinh tế.
“Vai trò lớn nhất của Bộ NN-PTNT là kết nối thông tin nông sản kịp thời theo thực tế tình hình, tạo điều kiện giao thương. Vấn đề triển khai kết nối các vùng trồng gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị vẫn phải phụ thuộc vào chính người dân và các doanh nghiệp”, Thứ trưởng khẳng định.
Một vấn đề nữa được Thứ trưởng nêu ra là trong lúc các cửa khẩu gần như “đóng băng” thì 300 nghìn tấn thanh long, 250 nghìn tấn xoài, 160 nghìn tấn mít, 140 nghìn tấn bưởi và 130 nghìn tấn cam…đều là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đang vào vụ thu hoạch. Bài toán giải quyết đầu ra cho nông sản lúc này phụ thuộc vào hiệu quả của công tác kết nối tiêu thụ giữa các tỉnh, các Hiệp hội với thị trường trong nước, các hệ thống thu mua và các siêu thị, nêu cao tinh thần “người Việt Nam tôn vinh hàng Việt Nam”.
Song song với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục chế biến và xuất khẩu nông sản (Bộ NN-PTNT) và các cơ quan liên quan tích cực vào cuộc phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại của một số nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đề nghị hỗ trợ, xúc tiến đẩy mạnh công tác tiêu thụ tại các nước này. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để tiếp tục tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Thêm một mặt hàng nông sản Việt Nam đủ điều kiện vào thị trường Mỹ
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đem đến một thông tin đáng chú ý khi cho biết, phía Hoa Kỳ đã gửi thông tin chính thức tới Bộ NN-PTNT với nội dung, trong thời hạn hai tháng nữa, mặt hàng bưởi của Việt Nam sẽ chính thức được tiêu thụ tại thị trường này. Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu bưởi sang Mỹ phối hợp với các đơn vị kiểm dịch thực vật để hoàn tất hồ sơ, sẵn sàng cho công tác xuất khẩu.
“Sau bưởi, dừa quả sẽ là mặt hàng tiếp theo được phía Hoa Kỳ xem xét hồ sơ để tiến hành các bước nhập khẩu”, Thứ trưởng thông tin thêm.
Về các loại hình xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng lưu ý, Thủ tướng đã có chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hạn chế, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu tiểu ngạch bởi loại hình này thường không có tính ổn định, mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp vì ít có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý.
“Theo thông tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu chính ngạch của chúng ta mới đạt 30%, tỉ lệ này là quá thấp”.