Mới đây, một Youtuber người Đài Loan tên Lý Huân đã chia sẻ bí quyết tiết kiệm "thần thánh" trên kênh tài khoản sở hữu gần 280 nghìn lượt đăng ký.
Theo đó, Lý Huân đã bắt đầu tiết kiệm ngay từ thời đại học với 5000 Đài tệ/tháng (hơn 4 triệu đồng/tháng) và dần dần lên đến 20.000 Đài tệ/tháng (khoảng 16,5 triệu đồng/tháng).
Là một thanh niên mới bước chân vào xã hội, chưa đi làm, chưa có thu nhập cố định, chỉ dựa vào kỹ năng quản lý tài chính, Lý Huân đã thành công đạt được mục tiêu có được một khoản tiết kiệm hơn 1 triệu Đài tệ (hơn 820 triệu VND) trước năm 25 tuổi.
"Năm nhất đại học, tôi đã tiết kiệm được 70.000 Đài tệ (hơn 57 triệu VND). Kể tử đó về sau, tôi không cần bố mẹ chu cấp tiền sinh hoạt nữa. Tôi thật sự không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ. Đó chính là lý do thúc đẩy tôi nỗ lực tiết kiệm tiền", Lý chia sẻ.
Lý Huân cho rằng, người có thể quản lý tài chính sẽ gặp được rất nhiều cơ hội và lựa chọn trong cuộc sống. Anh đã vận dụng 2 phương pháp dưới đây để thực hiện mục tiêu của mình:
1. Nguyên tắc 6-3-1 dành cho "tân thủ" mới tập tành quản lý tài chính
Nếu muốn có một cuộc sống lý tưởng, bạn phải bắt đầu học cách "chia tỷ lệ giữa tích lũy và chi tiêu". Bạn nên viết ra bảng tính thu và chi trong tháng, từ đó có thể nắm được tình hình chênh lệch của thu nhập và chi tiêu.
Với một người chỉ mới tập quản lý tài chính, bạn có thể tính toán và thực hiện theo nguyên tắc tỷ lệ 6-3-1.
Theo đó, sinh hoạt phí chiếm 60% thu nhập và mọi hoạt động chi tiêu bắt buộc phải nằm trong giới hạn này.
Tiếp theo, bạn dành ra 30% thu nhập để tiết kiệm. Nếu khoản tiết kiệm đã đạt được mức nhất định, bạn có thể thay đổi tỷ lệ để phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Đơn cử là 15% tiết kiệm, 15% đem đi đầu tư.
Cuối cùng là 10% dành riêng trong những trường hợp khẩn cấp. Trong cuộc sống, bạn chẳng thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra với mình và người thân trong gia đình. Chính vì vậy, phần tiền này sẽ có tác dụng vô cùng lớn trong tình huống bất trắc xảy ra. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng số tiền để mua bảo hiểm để bảo đảm lợi ích cho bản thân về sau.
Tuy nhiên, với những người có thu nhập chưa ổn định, 60% sinh hoạt phí có lẽ quá eo hẹp. Lúc này, bạn tạm thời sử dụng 10% tiền khẩn cấp để bù vào hoặc chia nhỏ gộp thành tỷ lệ 65% sinh hoạt phí và 35% tiết kiệm.
Bên cạnh đó, bạn phải nhớ một điều: Tỷ lệ tiền tiết kiệm không được thấp hơn 30%, nếu không tốc độ tích lũy sẽ vô cùng chậm và khó có thể đạt được mục tiêu.
2. Bước chuyển từ tỷ lệ 6-3-1 sang tỷ lệ 4-3-3
Sau khi đã ổn định kinh tế và vận dụng thuần thục nguyên tắc 6-3-1, bạn có thể chuyển sang giai đoạn 4-3-3. Trong đó, 40% đầu tư, 30% tiết kiệm, 30% chi tiêu.
Sau quá trình thực hiện quản lý tài chính, bạn sẽ chợt nhận ra nhu cầu chi tiêu của bạn giảm đi rất nhiều. Thậm chí, bạn còn không sử dụng hết 60% sinh hoạt phí của nguyên tắc đầu tiên và có thể chuyển phần thừa đó vào tiết kiệm.
Cảm giác khi có khoản tích lũy trong tay khiến bạn sống với tâm thái thoải mái hơn, từ đó công việc và gia đình cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Ở nguyên tắc 4-3-3, tiết kiệm không còn là bước quan trọng nhất, mà chính là đầu tư.
Đầu tư là bước đầu khởi nghiệp và là biện pháp chính để tích lũy tài sản. Tuy nhiên, các bạn cần phải chú ý: Đầu tư chỉ nên sử dụng khoản tiền dư dả, không nên dồn hết mọi nguồn lực tài chính để thử thách mạo hiểm. Làm chuyện gì cũng chừa lại đường lui cho mình mới là cách sống của một người thông minh.
Bạn nên nhớ, kiếm được nhiều tiền khác với giàu có. Trong cuộc sống, rất nhiều người tuy có thu nhập rất cao nhưng không hề có tiết kiệm. Chính vì vậy, việc vận dụng nguyên tắc tỷ lệ để phân phối nguồn thu nhập là một việc vô cùng quan trọng. Kiếm tiền và tiết kiệm phải luôn đi đôi với nhau để tạo nên tài sản và cuộc sống ổn định.
https://cafef.vn/tiet-kiem-tien-ty-truoc-25-tuoi-de-nhu-an-banh-nho-ap-dung-2-tuyet-chieu-nay-tham-chi-nguoi-khong-co-thu-nhap-on-dinh-cung-lam-duoc-20220102195609431.chnTheo Phan
Pháp luật & bạn đọc