Ngày 6-1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Dịch bệnh nhưng thu vẫn tăng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 ước tính đạt 1.563,3 ngàn tỉ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 ngàn tỉ đồng so với dự toán) và tăng 3,7% so với năm 2020.
Trong đó chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất. Riêng thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với năm ngoái; tỉ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP, vượt mục tiêu 15,5% GDP.
Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp của các địa phương. Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, số thu NSNN trên địa bàn TP năm 2021 vẫn đạt 381.532 tỉ đồng, bằng 104,56% dự toán và tăng 2,73% so với cùng kỳ.
Bà Thắng cho hay Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu dự toán thu NSNN năm 2022 cho TP.HCM là 386.568 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước. TP.HCM phải triển khai ngay các giải pháp để nhanh chóng phục hồi kinh tế, bảo đảm cân đối NSNN; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
“TP cũng sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nhằm giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế. Từ đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững” - bà Thắng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho biết: Trong điều kiện thu ngân sách năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thu NSNN trên địa bàn năm vừa qua là 265.755 tỉ đồng, đạt 112,8% dự toán trung ương giao.
Ông Hải nói năm 2022, TP Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp để khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp (DN); thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn quận, huyện, thị xã. “Trong đó trọng tâm là khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân” - ông Hải nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: VGP
74.000 tỉ chống dịch, hỗ trợ dân gặp khó khăn Thông tin từ hội nghị cho hay đến ngày 31-12-2021, NSNN đã quyết định chi 45.100 tỉ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và 28.900 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Như vậy, tổng chi cho hai khoản này là 74.000 tỉ đồng, trong đó trung ương đã chi 26.300 tỉ đồng, các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương 47.700 tỉ đồng. |
Phân bổ ngân sách phải công bằng, hạn chế chạy chọt
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Ngành tài chính có đóng góp quan trọng vào kết quả, thành tích chung của đất nước”. Ông dẫn chứng: “Đêm hôm trước tôi gọi điện cho đồng chí bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về quỹ vaccine, tôi đánh giá rất cao việc này. Quỹ vaccine không chỉ giúp huy động nguồn lực cho phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Bên cạnh thành tích đạt được, Thủ tướng phân tích thêm một số khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế của ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí đầu vào, logistics. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp. Vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô...
“Việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ và có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số DN tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động” - Thủ tướng nói.
Ông cũng nhận xét cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Trong đó có các lĩnh vực có liên quan hoặc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như cổ phần hóa DN, đầu tư công, xử lý các DN, dự án yếu kém. Phát hành trái phiếu DN và thị trường chứng khoán, tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro.
“Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu DN, thị trường bất động sản, chứng khoán... để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô. Kiểm soát phát hành trái phiếu DN, uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn” - Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý phải phân bổ thu chi hợp lý; có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập.
Cùng với đó, ông yêu cầu ngành tài chính phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi. “Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng. Rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng. Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt” - Thủ tướng nêu rõ.
Phải đi đầu trong việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp Thủ tướng đề nghị ngành tài chính góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng dựa vào đổi mới, sáng tạo. “Tôi mong các đồng chí phải đi đầu trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn ngành tài chính: “Nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. Chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, làm cho dân giàu, nước mạnh. Ngành tài chính phải vì dân, vì nước”” - Thủ tướng nói. Ông cũng nhấn mạnh tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Khi nào khó khăn thì Nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho DN. Khi thuận lợi thì DN phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ. |