Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế.
Góp ý kiến về dự thảo này, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, đề án cần cụ thể hoá, ràng buộc trách nhiệm và có những cam kết sản phẩm đầu ra.
Theo bà, mục tiêu cốt yếu của chính sách tài khoá cho phục hồi kinh tế lần này là chấp nhận bội chi, đi vay để sau này thu hồi được chi phí lớn hơn. Dự thảo Nghị quyết nêu ra ba mục tiêu khái quát về đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Song bà Mai cho rằng, những mục tiêu này chưa rõ kết quả nguồn lực đầu vào và hiệu quả đầu ra sẽ thế nào.
"Với hơn 346.000 tỷ đồng bỏ ra cho phục hồi kinh tế, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?", bà đặt vấn đề. Bà Mai cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết và đề án phục hồi kinh tế của Chính phủ cần đưa ra những cam kết cụ thể, dù đó là sản phẩm hữu hình hay vô hình đều có thể tính toán được.
"Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng và thành tích. Vì thế, vấn đề cốt lõi cần đạt được là thực chất và hiệu quả", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh.
Theo bà Mai, danh mục các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách cũng cần tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19 và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.
Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá cho rằng, gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... Việc này nhằm tránh nguồn vốn hỗ trợ không vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi mà "chảy vào đầu tư tài chính, bất động sản thì rất nguy hiểm".
Cũng góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đại biểu Thái Bình nhấn mạnh tới ổn định vĩ mô, thâm hụt ngân sách, lạm phát... "Chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách trong 2 năm (2022-2023) nhưng cần có giải pháp rõ ràng cho các năm sau. Nếu lạm phát tăng cao thì lợi ích chương trình phục hồi kinh tế sẽ suy giảm", ông nhận xét.
Ông Huy cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét sức hấp thụ, phương pháp hỗ trợ các đối tượng cần cân đối trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. "Chúng ta cung cấp cần câu chứ không phải con cá. Nên cần hỗ trợ đúng trọng tâm, không nên dàn trải", ông nhắc lại.
Về tiêu chí đầu tư nguồn lực, bà Vũ Thị Lưu Mai lưu ý, cần phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.
Bà Nguyễn Thu Dung, đoàn đại biểu Thái Bình cũng nói việc tính đến năng lực hấp thụ, kiểm soát rủi ro. Nữ đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ để tập trung nguồn kinh phí cho những dự án có khả năng hấp thụ cao.
Về nguồn lực, ông Mai Văn Hải quan tâm tới việc sẽ huy động từ đâu cho chương trình phục hồi kinh tế, từ nguồn trong nước hay nước ngoài. Vay nước ngoài thường đi kèm những điều kiện ràng buộc, nên ông cho rằng, Chính phủ nên xác định "vay trong nước là chính".
Nêu quan điểm trước Quốc hội, ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh tới việc chú trọng công tác thanh kiểm tra khi triển khai nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Theo tính toán của Chính phủ, ước tính giá trị thực tế của gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội này là 346.000 tỷ đồng, khoảng 4,28% GDP. Để có nguồn lực thực hiện chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội, Chính phủ trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách, với tổng số tiền 240.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023).
Hoài Thu