Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 6/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,096% lên 96,199. Các nhà phân tích cho biết ngưỡng kháng cự kỹ thuật của Dollar index hiện là 96,40, nếu vượt qua ngưỡng đó thì sẽ tiến lên mức cao như đã đạt được vào tháng 12, là 96,91.
Đồng euro phiên này giảm 0,19% xuống 1,1292 USD do lạm phát ở Đức tháng 12 chậm lại lần đầu tiên trong vòng 6 tháng (so với cùng tháng năm trước), mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Yen Nhật phiên này tăng 0,29% so với đồng bạc xanh, lên 115,76 JPY/USD, trong khi bảng Anh được giao dịch ở mức 1,3524 USD vào cuối ngày, giảm 0,22% so với cuối phiên trước.
Đô la Australia phiên này giảm 0,68% xuống 0,7170 USD, từ mức cao 0,7273 USD đạt được hôm 5/1.
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách nước này đang lo ngại về việc lạm phát gia tăng cùng với thị trường lao động bị thắt chặt dần, có thể dẫn đến việc Fed nâng lãi suất sớm hơn dự đoán và bắt đầu giảm lượng tài sản nắm giữ.
Đến thời điểm hiện tại, 70% các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm ít nhất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 3 tới, theo thông tin từ CME FedWatch Tool.
John Kicklighter, nhà phân tích của DailyFX.com ở Chicago cho biết: "Thị trường đang chú ý nhiều hơn đến chính sách tiền tệ và sự khác biệt về chính sách giữa các ngân hàng trung ương. Điều đó thực sự đang thúc đẩy đồng đô la Mỹ tăng giá".
"Nếu (Fed) có quan quan điểm có thể là ‘hung hăng’ nhất, ‘diều hâu’ nhất thì đồng đô la sẽ còn tiến xa đến đâu?"
Dữ liệu về thị trường lao động cho thấy số đơn xin thất nghiệp lần đầu hàng tuần ở Mỹ đã tăng 7.000 lên mức 207.000 (dữ liệu được điều chỉnh theo mùa), cao hơn một chút so với dự báo là 197.000. Dữ liệu được đưa ra sau một báo cáo công bố ngày 5/1 cho thấy số việc làm trong lĩnh vực tư nhân đang rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các dữ liệu khác cũng cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 11 lên 80,2 tỷ USD, cho thấy áp lực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV/2021 khá cao.
Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Mỹ của Mizuho Securities USA LLC ở New York, dự đoán đồng USD sẽ tăng, với chỉ số Dollar index đầu năm 2022 sẽ tăng tiếp lên 98, nếu vượt ngưỡng đó sẽ lên 100.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia George Davis của RBC, mặc dù Fed đã ngày càng có nhiều lời lẽ thể hiện thái độ "diều hâu", nhưng đồng USD những tháng gần đây vẫn đình trệ, sau khi đạt mức cao nhất 16 tháng vào cuối tháng 11 - 96,938. "Vẫn tiếp tục có những động lực có lợi cho USD, song giá sẽ phải vượt qua mức cao kỷ lục đã từng đạt được vào quý IV/2021 để tái khẳng định xu hướng tăng", đặc biệt là đối với đồng euro, bảng Anh và đô la Australiam ông George Davis cho biết.
Tiền tệ và chứng khoán của các thị trường mới nổi đều giảm trong ngày 6/1 do biên bản cuộc họp của Fed khiến các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất sớm – điều khiến USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh.
Theo đó, hầu hết các đồng tiền châu Á giảm giá 0,2 đến 0,8% trong ngày 6/1, khiến chỉ số MSCI về tiền tệ của các thị trường đang phát triển có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 8.
Biến động chỉ số tiền tệ và chứng khoán các thị trường mới nổi sau khi Fed công bố biên bản họp.
Trái phiếu bằng USD kỳ hạn đến 2045 của Kazakhstan trải qua ngày 5/1 tồi tệ nhất kể từ lúc đỉnh điểm của cơn hoảng loạn COVID-19, tháng 3 năm 2020, đến ngày 6/1 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng.
Trái phiếu chính phủ Kazakhstan giảm mạnh nhất kể từ đầu dịch COVID.
Ở Châu Á, đồng baht Thái giảm 1% do số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng, đe dọa tới triển vọng tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Các thị trường tiền tệ Châ Á khác cũng chứng kiến đợt bán tháo rộng rãi khi Fed tiến tới nâng lãi suất.
Đồng baht Thái ngày 6/1 giảm giá nhiều nhất kể từ tháng 3 năm ngoái do tăng mức độ cảnh báo về số ca nhiễm do biến thể Omicron. Như vậy, chuỗi 5 phiên tăng giá liền trước đó (tăng gần 1%) của baht đã kết thúc.
Ở những nơi khác của Châu Á, đồng rupiah Indonesia giảm 0,4% xuống mức thấp nhất trong một tháng, trong khi peso Philippines, won Hàn Quốc và ringgit Malaysia mỗi loại giảm 0,4%.
Nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm giá trong phiên này do sự lo lắng của các nhà đầu tư về nguy cơ dòng vốn chảy ra mạnh khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh Fed cho biết sẽ sớm nâng lãi suất.
Theo đó, nhân dân tệ kết thúc ngày 6/1 ở mức 6,3742 CNY, giảm 95 CNY so với phiên trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm 1,2% xuống 42.947,83 USD vào lúc kết thúc ngày 6/1 theo giờ Việt Nam.
Diễn biến giá Bitcoin ngày 6/1.
Giá vàng cũng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần do áp lực từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.789,77 USD/ounce vào lúc kết thúc ngày 6/1 theo giờ Việt Nam; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 giảm 2% xuống 1.789,00 USD.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, cho biết trọng tâm chính của thị trường lúc này là số lần Fed tăng lãi suất và mức độ tích cực của tổ chức này đối với dòng chảy bảng cân đối kế toán – điều đã khiến vàng rơi vào thế bị sức ép giảm giá.
Theo ông Moya, nếu sự biến động của lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh trong ngắn hạn, điều đó sẽ gây xáo trộn rất lớn cho giao dịch vàng.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Xem thêm: nhc.76134720070102202-cod-oal-nioctib-av-gnav-hnam-aig-gnat-dsu/nv.fefac