Kiên trì theo đuổi chiến lược Zero Covid, Trung Quốc sẵn sàng đóng cửa cả thành phố hàng chục triệu dân chỉ với 1 vài ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Omicron, tương lai Trung Quốc đóng cửa hàng loạt các thành phố không phải điều viễn tưởng. Hiện nay, biến thể này đã được tìm thấy ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Thành công trong công cuộc chống dịch, Trung Quốc đảm bảo để cho các nhà máy hoạt động liên tục trong phần lớn năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, ngay cả việc đó cũng không thể đáp ứng được nhu cầu khủng khiếp của thế giới. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất này bị gián đoạn khi các ổ dịch mới ở Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, khiến Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu một đòn khủng khiếp.
Cho đến hiện nay, Trung Quốc không phải đối mặt với các vấn đề như thế giới đang phải đối mặt. Họ không thiếu hụt thực phẩm như ở Australia hay Nhật Bản trong khi đó lực lượng lao động không thiếu hụt vì đại dịch như ở Mỹ.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc tổ chức Thế Vận hội mùa đông vào tháng tới và một loạt các sự kiện chính trị quan trọng khác, chiến lược Zero Covid của nước này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi biến thể Omicron đang có tốc độ lây lan khủng khiếp. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ phải tính toán nhiều hơn để không làm tổn hại nền kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu của họ.
Thomas O’Connor, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney, cho biết: "Thực tế, Trung Quốc vẫn là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu. Nếu có sự ngưng trệ đáng kể trong hoạt động sản xuất hoặc hậu cần ở Trung Quốc liên quan đến Covid-19, nó sẽ làm tổn hại lớn đến kinh tế toàn thế giới".
Trong những tuần gần đây, các đợt bùng phát lẻ tẻ trên khắp đất nước của cả biến thể Delta và Omicron đã khiến một số nhà máy sản xuất quần áo, hoạt động vận tải khí đốt xung quanh một trong những cảng biển lớn nhất đất nước tại Ninh Ba bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất chip ở thành phố Tây An cũng bị đình trệ khi thành phố này bị phong tỏa.
Nhiều thành phố khác cũng đang phải đối mặt với những hạn chế và chính quyền ở Trung tâm sản xuất và công nghệ phía nam Thâm Quyến đã thắt chặt hơn hạn chế đối với các phương tiện ra vào thành phố. Điều đó làm dấy lên lo ngại về sự chậm trễ tại cảng Yantian, một trong những cảng container lớn nhất châu Á. Năm ngoái, nó từng bị đóng cửa một phần sau khi dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang bước vào những ngày cao điểm sản xuất trước kỳ nghỉ tết kéo dài nhiều tuần. Nhiều chủ hàng lo ngại, nếu hàng hóa của họ không được giải tỏa kịp thời, họ sẽ không có hàng để tung ra thị trường vào mùa xuân và đầu hè.
Những vẫn đề ở Trung Quốc chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những sự cố với kinh tế toàn cầu, nhất là khi Omicron gây ra tình trạng thiếu thốn đủ thứ ở khắp mọi nơi. Các nhà máy thiếu nhân công, logistic thiếu tài xế, phi công, hệ thông siêu thị hay các cửa hàng thiếu nhân viên… do có quá nhiều người mắc Covid-19.
Cùng với đó, khủng hoảng chuỗi cung ứng chưa bao giờ hạ nhiệt kể từ khi đại dịch bùng phát. Giá vận tải tăng phi mã, giá các nguyên vật liệu cũng liên tiếp gia tăng ở mức kỷ lục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo phân tích của Oxford Economics, chi phí vận chuyển container vẫn tăng gấp bội so với mức đã thấy sớm trong cuộc khủng hoảng, giá nguyên liệu thô vẫn ở mức cao và sự gián đoạn có thể sẽ kéo dài trong năm nay, theo phân tích của Oxford Economics.
Năm ngoái, khi dịch bùng lên ở Đông Nam Á, hoạt động sản xuất ở các nước như Việt Nam, Malaysia bị đình trệ vì các biện pháp hạn chế, một số doanh nghiệp đã đưa sản xuất trở lại Trung Quốc, nơi có lượng hàng hóa xuất khẩu kỷ lục bất chấp sự bùng phát của Covid-19 và sự tắc nghẽn vận tải toàn cầu.
Tuy nhiên, khi biến chủng Omicron chưa gây nhiều hậu quả ở châu Á, một số chuyên gia cho rằng điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước. Cụ thể, nếu Trung Quốc ngăn chặn thành công đợt bùng phát dịch, áp lực với nguồn cung toàn cầu sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, tổn hại vẫn có trong trường hợp này.
Ngược lại, thảm họa sẽ thực sự xảy ra khi Trung Quốc thất thủ. Việc đòi hỏi sạch bóng hoàn toàn Covid-19 như đã nói ở trên có thể khiến Trung Quốc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa nhằm dập dịch. Tuy nhiên, với khả năng lây lan khủng khiếp của Omicron và các biến thể tiềm năng khác, việc ngăn chặn dịch bệnh sẽ kéo dài, kéo theo sự đình trệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn việc Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với Covid-19 có lẽ cũng không phải điều mà thế giới mong chờ, ít nhất là thời điểm hiện tại. Bắc Kinh vẫn kiên định với sách lược của mình, thậm chí còn gia tăng hơn những quyết tâm với việc ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn.
"Trong 6 tháng tới, tôi không thấy có thay đổi nào lớn", Sidney Yu, giám đốc một doanh nghiệp ở Hồng Kông, Trung Quốc cho biết.