Đến nay đã có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu. Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu, nhưng có thành viên là nhà thầu Thái Lan. Liên doanh VIETTUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, có thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương và Tổng công ty Vinaconex.
Theo lộ trình, các công ty này sẽ được lựa chọn dựa trên chấm điểm năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật sau đó sẽ đến vòng đấu thầu về giá xây dựng.
Đánh giá về 3 liên doanh này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, không có các nhà thầu nước ngoài hàng đầu lớn tham gia đấu thầu. Một trong những lý do mà các nhà thầu nước ngoài hàng đầu không tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách” thuộc gói thầu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo ông Hiệp là giá thi công thấp.
“Một nhà thầu hàng đầu đến từ Nhật Bản tham gia Hội nghị tiền đấu thầu lần 2 nhưng không nộp hồ sơ dự thầu. Nhà thầu nước ngoài lo ngại giá thầu thấp, quy trình thanh toán có đảm bảo vì có thể theo quy trình kiểm toán của Việt Nam thì mất nhiều thời gian và kiểm toán có khi cắt khoản mà lỗi có thể không phải do nhà thầu. Họ cũng lo ngại, chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước (không phải là nhà nước) thì tài chính, nguồn tín dụng có đảm bảo cho thanh toán. Và thông số tiến độ có hợp lý hay không. Hiện nay, tiến độ xây dựng đã tăng từ 33 tháng lên 39 tháng nhưng vẫn là tiến độ khá căng thẳng”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông Hiệp, việc hình thành các liên danh tham gia đấu thầu xây dựng bay Long Thành là tất yếu, vì các nhà thầu trong nước đều vướng về hồ sơ kinh nghiệm và năng lực tài chính. Việc liên danh giúp ghép năng lực của các nhà thầu để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.
Với giá trị gói thầu 35.000 tỷ đồng thì các nhà thầu liên danh trong nước cũng có thể đủ điều kiện vốn đối ứng theo thông lệ khoảng 15 - 20% giá trị gói thầu. Tuy nhiên về kinh nghiệm, phải dựa vào các nhà thầu đến từ nước ngoài đứng đầu hoặc là thành viên trong liên danh.
Nguồn VDSC |
Xét tương quan các nhà thầu nội trong liên danh Hoa Lư và VIETUR. Coteccons đứng đầu liên danh Hoa Lư có kinh nghiệm xây dựng dự án lớn là tòa nhà Landmark 81, song nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons dù không chính danh, nhưng sở hữu nhiều nhân sự điều hành Coteccons giai đoạn xây dựng Landmark 81.
Trong khi đó, Vinaconex - một thành viên của liên doanh VIETUR cũng là nhân tố quan trọng vì tổng công ty này vừa hoàn thành xây dựng sân bay Phú Bài (Huế) và có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án hạ tầng trong lĩnh vực đầu tư công, nên am hiểu về thủ tục quyết toán các dự án đầu tư công.
Theo ông Hiệp, khi các nhà thầu quốc tế tham gia dự án này thì nên có nhà thầu tư vấn quản lý nước ngoài đủ tầm cỡ để chấm điểm nhà thầu, xét thầu cũng như quản lý dự án án giúp cho chủ đầu tư.
Được biết trên thực tế, khi các nhà thầu nước ngoài tham gia dự án lớn ở Việt Nam, chủ yếu là cung cấp kinh nghiệm thực hiện, còn tổ chức thi công, nhân sự thi công chủ yếu là do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm. Vì thế vai trò của các nhà thầu nội trong quá trình triển khai xây dựng dự án đảm bảo tiến độ chất lượng là rất quan trọng.