Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Trần Văn Xê (50 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) phấn khởi với vườn hoa hơn 2.000 chậu chuẩn bị đưa ra thị trường.
Dẫn chúng tôi xuyên qua cánh đồng hoa vạn thọ rực rỡ sắc màu, ông Xê chỉ tay về hàng trăm chậu cúc Đài Loan và chia sẻ đây chính là tâm huyết của ông trong vụ hoa Tết này.
Hoa cúc bình thường có chiều cao khoảng khoảng 70-80 cm, còn hoa cúc "chân dài" của ông Xê cao khoảng 1,4-1,5 m. Ảnh: CHÂU ANH
Để hoa cao, chắc khỏe, ra hoa to, bên cạnh áp dụng kỹ thuật chong đèn còn dựa vào kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa của ông Xê. Ảnh: CHÂU ANH
Trong hơn 600 chậu cúc Đài Loan sắp đưa ra thị trường, ông Xê tiết lộ có khoảng có khoảng 50 chậu được ông sử dụng kỹ thuật chong đèn để “kéo chân” cho cây hoa cao hơn nhiều lần.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa phục vu Tết, nhưng đây là năm đầu tiên lão nông này áp dụng thử nghiệm kỹ thuật chong đèn để nâng giá trị cho loài hoa này.
Ông Xê kể trong những dịp đi bán ở các chợ hoa xuân những năm trước, ông phát hiện nhiều nhà vườn bán cùng loại cúc Đài Loan như ông, thế nhưng dáng hoa cao, thân hoa cứng, bông nở to và có giá thành cao hơn. Từ đó, ông quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật, giống hoa rồi bắt đầu thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà cho các vụ hoa tiếp theo, nhằm nâng giá trị kinh tế.
Theo ông Xê, để bắt đầu quy trình “kéo chân”, hoa cúc phải trồng sớm hơn bình thường khoảng một tháng. Khi cúc đã đạt độ lớn nhất định, ông bắt đầu chong đèn để cúc “không ngủ” bằng phương pháp sử dụng ánh sáng đèn điện để kích thích cây sinh trưởng vào buổi tối. Sau khoảng hai tháng chong đèn, ông tắt đèn để hoa sinh trưởng bình thường, nở hoa.
“Chong đèn để kéo cây hoa cúc thật cao làm cho cây cúc mới lạ hơn. Cây cúc bình thường khoảng 70-80 cm là cao rồi, còn cúc chong đèn cao khoảng 1,4-1,5m. Năm nay tôi bắt đầu trồng từ rằm tháng bảy (ÂL) thì cao cỡ này, nếu muốn cao hơn phải trồng sớm hơn, đủ thời gian thì nghỉ chong đèn cho bông nở. Cúc bình thường trồng khoảng 100 bông thôi, cúc chân dài này mình trồng khoảng 150 bông rồi cắt chọn hoa đẹp, đều giữ lại” - ông Xê chia sẻ.
Áp dụng kỹ thuật chong đèn đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn. Ảnh: CHÂU ANH
Thử nghiệm, sáng tạo ra cái mới luôn song hành với những khó khăn, thử thách, trồng hoa cũng vậy. Theo ông Xê, quá trình “kéo chân” cho hoa cúc, cái khó nhất chính ở khâu chong đèn. Tuy sử dụng phương pháp này sẽ giúp chiều cao của hoa cúc phát triển, nhưng việc chong đèn vô tình thu hút côn trùng, sâu rầy đến nhiều hơn, do đó công chăm sóc vất vả hơn.
“Năm đầu thử nghiệm thấy kết quả khá khả quan, tỉ lệ đạt gần như tuyệt đối. Cúc bình thường giá bán khoảng 400.000-500.000 đồng/ cặp, cúc cỡ này mấy năm trước người ta bán hơn 1 triệu/chậu. Năm nay trồng thử nghiệm nên tôi bán tại vườn cho người quen với giá hữu nghị, chỉ cao hơn vài trăm ngàn so cúc bình thường thôi” - ông Xê bày tỏ.
Kỹ thuật chong đèn cho hoa cúc là phương pháp không mới, nhưng thay vì chọn cách này để làm hoa trổ đúng dịp Tết, cho cây chắc khỏe thì lão nông Trần Văn Xê lại lựa chọn áp dụng kỹ thuật này để “kéo chân”. Từ kết quả năm đầu đạt được, ông Xê dự định những vụ hoa tiếp theo sẽ áp dụng kỹ thuật này để nâng cao giá trị cho vườn hoa cúc.