Nhiều hàng quán tại Hải Phòng ế ẩm vì chỉ được bán hàng mang về nên không thu hút được khách - Ảnh: TIẾN THẮNG
Đi nhà hàng, ăn cưới phải test nhanh
Sau đợt nghỉ tết dương lịch, TP Hải Dương có văn bản điều chỉnh, quy định người dân muốn ăn tại chỗ ở các nhà hàng, quán ăn phải test nhanh COVID-19 hoặc trình kết quả xét nghiệm PCR. Quy định này khiến thực khách ngại, không ai dám ra hàng ăn uống và nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Ngày 11-1, TP Hải Dương có văn bản mới sửa lại quy định này, bãi bỏ yêu cầu vô lý bắt khách đến quán ăn phải trình kết quả xét nghiệm, nhưng cùng với đó lại có một loạt quy định mới cũng hài hước không kém.
Cụ thể, TP Hải Dương quy định chủ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh tiệc cưới; các nhà hàng, quán ăn, uống lớn có công suất phục vụ từ 50 người trở lên phải tổ chức test nhanh COVID-19 hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (trong thời hạn 72 giờ), kết quả âm tính mới được tham dự.
Ngoài ra, ban quản lý chợ đầu mối Gia Xuyên, chợ Hội Đô phải tổ chức test nhanh cho lái xe đi/về từ tỉnh ngoài, kết quả âm tính mới được vào chợ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 13-1, ông Trần Hồ Đăng - chủ tịch UBND TP Hải Dương - không nêu cụ thể các biện pháp mới dựa trên cơ sở khoa học nào, mà cho rằng các biện pháp phòng, chống dịch được đưa ra mục tiêu cuối cùng đều vì sức khỏe người dân.
Theo ông Đăng, diễn biến dịch trên địa bàn TP Hải Dương hiện vẫn hết sức phức tạp khi số ca mắc cộng đồng chưa giảm, nếu không có sự cảnh báo và tăng cường biện pháp để phát hiện sớm nguy cơ dịch bùng phát mạnh rất lớn. Đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến những người không tiêm được vắc xin.
Xe khách liên tỉnh tại Hải Phòng vừa được hoạt động trở lại sau 4 ngày tạm dừng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tự nâng cấp độ dịch lên mức đỏ để... nhắc nhở người dân?
Tại Hải Phòng, dù trên thực tế nếu áp dụng theo hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế thì chưa đến mức cấp độ dịch ở nguy cơ rất cao trên phạm vi toàn thành phố, nhưng 4 ngày trước, địa phương này vẫn tự nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất (tương ứng cấp độ 4 - vùng đỏ).
Lý giải nguyên nhân, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP kiêm giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng - cho rằng việc nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất nhằm mục tiêu giảm số ca mắc ngoài cộng đồng khi những ngày gần đây liên tục có chiều hướng gia tăng.
Đồng thời, ông Nam cho rằng TP cũng muốn nhắc nhở người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch khi thực tế hiện nay đang có tâm lý chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải khách liên tỉnh và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn.
Vì ảnh hưởng lớn đến đời sống, nên chỉ sau 4 ngày, UBND TP Hải Phòng đã điều chỉnh hạ cấp độ dịch xuống cấp độ 3, tức là mức nguy cơ cao. Cùng với đó, vận tải khách được khôi phục song nhiều doanh nghiệp vận tải khách cho rằng việc liên tục điều chỉnh "linh hoạt" quá mức trong thời gian ngắn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lên phương án hoạt động kinh doanh.
"Hoạt động vận tải khách cần sự ổn định và chúng tôi mong các biện pháp đưa ra sát với thực tiễn, nghĩ thêm một chút cho người dân và doanh nghiệp để tránh thiệt hại. Mấy ngày trước tôi cho anh em lái phụ xe nghỉ, giờ hoạt động trở lại nhưng lại không có người vì cuối năm tìm người rất khó", một lãnh đạo doanh nghiệp vận tải khách tại Hải Phòng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thạch (25 tuổi, trú tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), cho rằng cần phải nhìn nhận thực tế hiện nay người dân không còn quan tâm và cũng không nắm rõ đâu là vùng đỏ, vùng xanh nên di chuyển tự do.
"Tôi có việc cần gặp khách ở quận Lê Chân, Hải Phòng nhưng đi tìm mấy nơi không có điểm bán cà phê tại chỗ mới biết quận đang là vùng đỏ, nên lại phải rủ khách sang quán ở quận Hải An được bán tại chỗ để bàn việc", anh Thạch cho hay.
Theo anh Thạch, hiện nay cần tiếp tục thay đổi phương pháp phòng, chống dịch để đúng với thực tế hơn và giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người dân, tránh việc đưa ra quy định nhưng lại không hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu sớm có văn bản chấn chỉnh biện pháp phòng dịch không phù hợp
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 không phù hợp.
Theo công văn, tổng hợp thông tin của Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho thấy gần đây báo chí phản ánh nhiều biện pháp chống dịch của địa phương cực đoan hoặc trái chủ trương chung, như tự ý thu tiền xét nghiệm của người đến tiêm vắc xin; mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ hay mua mang về thay đổi liên tục; có địa phương nâng cấp độ dịch vượt quy định nhằm mục đích để người dân "lo", nhưng kèm theo là những ảnh hưởng về vận tải hành khách công cộng và nhiều loại dịch vụ...
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn mới về thích ứng an toàn với dịch (hướng dẫn 4800 sửa đổi).
TTO - Bản tin chiều tối 12-1 của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 16.135 ca COVID-19 mới, trong đó Hà Nội cao nhất, gần chạm mốc 3.000 ca. Sau 4 ngày ở mức vùng đỏ, số mắc cao, Hải Phòng đã chuyển cấp độ dịch về mức vùng cam.