Thông tin trên được ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại hội nghị tổng kết của tập đoàn này ngày 14/1.
Theo ông Nhân, đến cuối năm ngoái, hệ thống có thêm 7.500 MW công suất lắp đặt nguồn điện vào vận hành, nâng tổng công suất lên 76.620 MW. Trong đó, nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) là 20.670 MW, tăng 3.420 MW so với năm 2020, chiếm 27% tổng công suất nguồn. Với công suất nguồn điện như vậy, quy mô hệ thống điện Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Năm ngoái, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là hơn 256 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Trong đó, điện sản xuất và mua của EVN là trên 246 tỷ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020. Điện thương phẩm đạt khoảng 225 tỷ kWh, tăng 3,85% so với 2020.
Quy mô công suất nguồn điện của Việt Nam đứng đầu khu vực, nhưng với tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng lớn, EVN lo chi phí sản xuất điện tăng và khó khăn trong điều hành hệ thống.
Ông Nhân thông tin, năm qua, có thời điểm hệ thống huy động nguồn từ năng lượng tái tạo lên tới 60%, trong khi nhu cầu điện giảm thấp do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Việc này gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn tới tình trạng "thừa nguồn". Chưa kể, chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng cao do tỷ trọng nguồn phát có giá thành cao như năng lượng tái tạo, giá than, giá khí...
Chẳng hạn, giá mua mỗi kWh từ dự án điện mặt trời hiện là 9,35 cent (với dự án vào trước thời điểm tháng 7/2019); 7,09-8,38 cent một kWh nếu dự án vận hành trong giai đoạn 7/2019 - 12/2020. Còn giá điện gió là 8,5 cent một kWh nếu dự án vận hành trước 31/10/2021. Các mức giá mua này đều cao hơn giá mua từ các nguồn nhiệt điện, thuỷ điện...
Ngoài ra, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN cho biết thêm, đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ.
Các dự án đầu tư nguồn, lưới gặp nhiều thách thức về huy động vốn, bố trí quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.
"Nhiệm vụ đặt ra của EVN trong năm nay nặng nề cả ở khía cạnh cung ứng điện và cân đối tài chính", lãnh đạo EVN nhận định.
Dự báo tình hình thời tiết cực đoan trong mùa nắng nóng 2022 có thể ảnh hưởng tới cung ứng điện. Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tính toán của đơn vị này trong cao điểm nắng nóng vào tháng 6, tiết giảm điện ở miền Bắc có thể lên tới 2.100 MW.
"Những tháng cao điểm nắng nóng, miền Bắc có thể thiếu điện, trong khi miền Nam, miền Trung lại dư thừa", bà Đỗ Nguyệt Ánh cho hay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHN) cho hay, doanh nghiệp đã xây dựng các phương án, đảm bảo cung cấp đủ điện, nhưng "vẫn mong có sự chia sẻ của khách hàng nếu tình trạng thiếu điện xảy ra".
Để đủ điện cho miền Bắc trong mùa hè tới, nữ Chủ tịch EVNNPC kiến nghị, tập đoàn tính toán phương án đảm bảo tối đa độ khả dụng nguồn điện cho miền Bắc. Bà cũng đề nghị EVN phê duyệt phương thức vận hành các tháng nắng nóng để khách hàng công nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, dành nguồn cho khối khách hàng sinh hoạt.
Về phía EVN, tập đoàn này kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy hoạch điện VIII để có cơ sở triển khai, đầu tư các dự án nguồn, lưới điện.
Năm ngoái, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN là 731.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng (tăng 6,2% so với năm 2020). Tập đoàn này nộp ngân sách 22.440 tỷ đồng.
Năm nay, EVN dự báo nhu cầu tăng trưởng điện không cao khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn. Sản lượng điện thương phẩm gần 242,4 tỷ kWh, tăng 7,6% so với 2021. Tập đoàn này dự kiến đầu tư với tổng vốn 96.500 tỷ đồng; năng suất lao động tăng 8-10%.
Anh Minh