Tay vợt nữ Peng Shuai và mẫu áo thun.
Thông tin trên được người đứng đầu giải đấu – CEO Craig Tiley tuyên bố.
Trước đó xuất hiện một đoạn video, một nhân viên soát vé yêu cầu khán giả cởi bỏ chiếc áo in biểu ngữ ủng hộ nữ tay vợt người Trung Quốc tại Melbourne Park. Ngay lập tức, huyền thoại quần vợt Martina Navratilova gọi hành động ấy là “thảm hại”.
Cựu số 1 thế giới nội dung đôi nam-nữ Peng Shuai không thi đấu ở Melbourne làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của cô, sau khi cô đứng lên tố cáo, chính mình là nạn nhân của nạn tấn công tình dục (tháng 11-2021).
Liên đoàn quần vợt Úc, cũng là đơn vị tổ chức giải Úc mở rộng đã lặp lại chủ trương lâu đời hôm thứ Hai là “không cho phép biểu ngữ, biển hiệu hoặc quần áo mang tính thương mại hoặc chính trị”.
Trước áp lực ngày một leo thang, CEO Craig Tiley nói áo thun in dòng chữ “Where is Peng Shuai?” sẽ được phép mặc, miễn người mặc nó cảm thấy bình yên. Tuy nhiên, vấn đề an ninh sẽ được đánh giá theo từng trường hợp.
CEO Tiley phát biểu với AFP: “Được, miễn là họ không biến thành đám đông gây rối và đến trong hòa bình... Trong vài ngày qua, một số người đến và giăng biểu ngữ trên hai cột điện lớn, chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra. Nếu bạn đến xem quần vợt thì không sao, nhưng chúng tôi không cho phép bất kỳ ai đến để gây rối”.
Được biết, một trang có tên GoFundMe đã được thành lập nhằm gây quỹ 10.000 đô la Úc. Những chiếc áo sẽ được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai muốn mặc để bày tỏ chính kiến.
Về phương diện pháp luật, việc cấm đoán có thể bị coi là hành vi bất hợp pháp. Luật sư Michael Stanton xác nhận với tờ The Age (Úc): “Không có bất kỳ cơ sở thích hợp nào để yêu cầu một người tham dự cởi bỏ chiếc áo phông nêu bật một vấn đề nhân quyền”.
CEO Tiley tiếp tục nhấn mạnh: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là phúc lợi của Peng Shuai và chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với WTA. Chúng tôi khuyến khích cô ấy thực hiện những cuộc trò chuyện trực tiếp. Người thích hợp nhất để làm điều đó chính là WTA (Hiệp hội quần vợt nữ thế giới)”.