Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất và có thể dừng hoạt động từ giữa tháng 2.2022 khiến các đầu mối xăng dầu lớn lo thiếu nguồn cung cho thị trường nội địa.
Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị khẩn cấp liên quan tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Petrolimex cho biết, năm nay nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu một tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty bao tiêu sản phẩm thuộc PVN.
Tuy nhiên, hiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã tạm dừng nhập khẩu dầu thô phục vụ cho hoạt động, chỉ còn sử dụng dầu thô tồn kho để chế biến xăng dầu sản phẩm, nhưng sẽ sớm dừng hoạt động nếu không có nguồn dầu thô bổ sung.
Điều này khiến cho thương nhân đầu mối lo ngại không có giải pháp xử lý kịp thời, gây thiếu hụt nguồn hàng.
Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo Petrolimex cho biết: "Lo ngại ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước là có, nhưng đương nhiên, chúng tôi sẽ có kế hoạch nhập khẩu để bù lại. Về nguyên tắc, chúng tôi phải đảm bảo ổn định nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường của chúng tôi".
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và có văn bản gửi các sở công thương, một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước.
"Bộ cũng đã yêu cầu phía Nghi Sơn báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu, kế hoạch sản xuất như đã đăng ký", ông Đông nói và cho biết thêm, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, để không xảy ra chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Sở dĩ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất là bởi đang gặp những khó khăn về tài chính và đang làm việc tích cực với các bên liên quan để có phương án giải quyết, đưa nhà máy sớm trở lại hoạt động bình thường.
Theo đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất từ 105% xuống còn 80% vì thiếu nguồn tiền khi PVN chưa thực hiện một số nghĩa vụ tài chính với nhà máy này, khiến việc nhập dầu thô cho sản xuất bị gián đoạn.
Ông Trần Duy Đông cho rằng, doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ cần tính toán cân đối chi phí giữa được và mất khi dừng sản xuất và tiếp tục vận hành. Đơn vị này đang chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước.
Với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, ông Đông cho biết, Bộ Công Thương yêu cầu họ có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Về lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu hay không trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước. Bộ cũng sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.
Ông Đông nói thêm, việc đột ngột cắt đơn hàng cũng không đúng thông lệ quốc tế. Hiện đã đàm phán chốt để đưa hàng về kịp thời và chỉ đạo tránh tình trạng đó lặp lại. Nếu có cắt đơn hàng thì cũng phải thông báo trước để có kế hoạch.
Được biết, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề nghị Bộ cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích thương nhân đầu mối khi phải nhập khẩu bổ sung cả nguồn xăng dầu không có thuế suất ưu đãi để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong nước.
Xem thêm: odl.786899-ohk-pag-peihgn-hnaod-ueihn-taus-gnoc-maig-nos-ihgn-uad-col/et-hnik/nv.gnodoal