Để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đề nghị cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù. Đó là những "thành trì" để giữ vững sản xuất, không để nền kinh tế "lỡ nhịp".
Giữ nhà máy sáng đèn là nỗ lực vô cùng lớn
"Mục tiêu kép" - vừa chống dịch vừa sản xuất - là một nhiệm vụ mà theo nhiều doanh nghiệp là bắt buộc phải thực hiện vì sự tồn tại của mình, vì công ăn việc làm của người lao động. Khi TPHCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành đồng loạt thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lúc đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị xáo trộn, đình đốn.
Để giữ các nhà máy, nhà xưởng tiếp tục sáng đèn là một nỗ lực vô cùng lớn và là những lựa chọn cân não. Chính vì thế, giữ cho nhà xưởng sáng đèn không chỉ giúp doanh nghiệp giữ thị phần, uy tín và lòng tin của đối tác quốc tế, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với người lao động của mình.
Nhớ lại khoảng thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, bà Vũ Hằng Phương - Giám đốc vận hành một công ty chuyên cung cấp các chi tiết hợp kim phức tạp của Panasonic, LG, ACE và Dorco Vina... - cho biết, thời điểm đó, doanh nghiệp của bà gặp khó khăn trong vấn đề giao hàng cho các đối tác như Panasonic, LG... khi đội ngũ nhân viên giao hàng phải có xét nghiệm PCR âm tính thường xuyên. Điều này khiến doanh nghiệp của bà trở tay không kịp.
Bà Phương cho rằng, mỗi lần xét nghiệm PCR chi phí khá cao, từ 1,3 -1,5 triệu đồng và chỉ sử dụng kết quả trong thời gian là 72h. Điều này đồng nghĩa với mỗi lái xe trung bình mất 4,5 triệu đồng/tuần. Thời điểm đó, công ty có rất nhiều lái xe nên việc chi phí tăng thêm tốn kém khá nhiều.
Ngoài ra, muốn đáp ứng thời gian giao hàng, công ty bắt buộc thuê công ty dịch vụ vận chuyển hàng hoá, đồng nghĩa với một khoản chi không nhỏ nữa phải thực hiện.
"Thời điểm đó, bản thân các đơn vị vận tải cũng quá tải, giá cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Một ngày có bao nhiêu container phải vận chuyển, chi phí đội lên nhiều trong khi chúng tôi cũng đâu có tăng được giá bán cho sản phẩm.
Tăng 10-15% thôi đối tác đã không chấp nhận rồi, trong khi đầu vào nhiều cái tăng gấp đôi. Rất nhiều chi phí như vậy tiệm cận mức thua lỗ. Chưa kể nếu không đàm phán được với khách hàng còn có nguy cơ mất đơn hàng, mất khách" - bà Phương nói.
Dù khó khăn như vậy, nhưng bà Phương cho rằng, doanh nghiệp cần suy nghĩ tích cực, không được bi quan. "Doanh nghiệp không còn cách nào khác là bắt buộc giữ vững tinh thần trong đại dịch vì liên quan đến sống còn của doanh nghiệp, của một tập thể.
Doanh nghiệp có nỗ lực, có cố gắng, còn phía Nhà nước, Chính phủ, địa phương lắng nghe dân, lắng nghe doanh nghiệp thì mọi chuyện sẽ được khắc phục" - bà Phương nói.
Minh chứng cho điều đó là vào đầu tháng 10.2021, Chính phủ đã chuyển hướng phương châm chống dịch, từ "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch bằng Nghị quyết 128. Thay đổi đó đã có tác động tích cực lên nền kinh tế vĩ mô khi GDP quý 4 tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm trước và giúp GDP cả năm tăng trưởng 2,58%.
Cần tăng cường cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính
Trao đổi với Lao Động, TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho hay, ông đánh giá rất cao sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng vừa qua đã giúp cho chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giữ vai trò quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, trong thời gian vừa qua, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch cũng gợi ý cho chúng ta về một cách tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nước nhà.
Theo đó, ông Lộc cho rằng, rất cần phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm các cực tăng trưởng mới, để một mặt có thể “chia lửa” cho Thủ đô Hà Nội, cho TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đề nghị cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù. Đó là những "thành trì" để giữ vững sản xuất, không để nền kinh tế "lỡ nhịp".
Cũng theo ông Lộc, việc thực hiện các chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội là "rất cấp bách". Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm vẫn cứ phải tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để đưa nền kinh tế đất nước phát triển.
Xem thêm: odl.471899-pihn-ol-et-hnik-nen-ed-gnohk-taux-nas-irt-hnaht-uig/et-hnik/nv.gnodoal