vĐồng tin tức tài chính 365

Khi bắp, khoai mì… kể những câu chuyện về Việt Nam

2022-01-30 16:39

Năm 2006, ông Lâm Mac trở về sau thời gian dài định cư tại Mỹ. Tiền Giang quê ông, như các tỉnh, thành khác của dải đất hình chữ S, trong vườn mỗi nhà đều trồng một vài loại rau, trái nào đó. Trong mắt mọi người, chúng là “đồ nhà quê”, không có giá trị kinh tế. Ông về, mang theo quyết tâm chắp cánh cho “đồ nhà quê” ấy vượt đại dương.

Khi chúng tôi ghé thăm, nhà máy chế biến nông sản của ông chẳng khác một căn bếp khổng lồ. Bao trùm cả cơ sở là mùi thơm nức của ngô nếp luộc tỏa ra từ những chiếc nồi đang sôi ùng ục, chỉ ngửi thôi đã cảm nhận được độ dẻo của từng hạt ngô sau lớp vỏ ít ỏi được giữ lại; mùi bánh chuối bọc nếp nướng trên than hoa... Tiếng nhát dao thái vào những cây sả tươi, tiếng những lớp áo bắp ngô được lột nhanh, đều… những âm thanh rất đỗi gần gũi, quen thuộc xuất hiện trong không gian nhà xưởng hiện đại. Những thứ cây nhà lá vườn đó "lên đời” bằng công nghệ cấp đông sâu, đựng trong bao bì hút chân không và xuất đi các thị trường khó tính. Những nhân công làm việc tại đó đều là những người dân địa phương, nhưng thay vì xuề xòa chế biến cho nhu cầu gia đình hay như các điểm bán rong, ở đây họ trang bị ủng, quần áo, mũ trùm đầu, khẩu trang... từ đầu đến chân. Tất cả nhằm đảo bảo sản phẩm không dính bất cứ tạp chất nào trước khi xuất xưởng. 

ảnh: internet
ảnh: internet

Ông Mac nói, còn rất nhiều sản phẩm vốn không được coi trọng nhưng thực ra giá trị lại không hề nhỏ khi xuất khẩu. Nhiều năm kinh doanh nông sản ở Tiền Giang, sau khi sang Mỹ và đi một số quốc gia khác, ông thấy cộng đồng người Việt nói riêng và châu Á nói chung có nhu cầu rất lớn với các sản phẩm này trong khi nguồn cung rất hạn chế. Khách hàng ban đầu là cộng đồng người Việt, người Hoa nhưng rồi người bản xứ cũng bị chinh phục bởi những món ăn dân dã Việt Nam đã được chế biến sẵn, chỉ cần hâm nóng bằng lò vi sóng và thưởng thức như một loại thức ăn nhanh. Điều kiện, tiêu chuẩn để những mặt hàng này xuất khẩu cũng không mấy khó khăn. “Cái khó nhất là kiểm soát dư lượng hóa chất, nhưng thật ra các loại rau, trái này đều là thứ mà người trồng ở khắp các vùng quê không đánh giá cao về giá trị kinh tế nên họ cũng không dùng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Mac chia sẻ.

Ông Hồ Văn Lâm, một người Việt thành danh tại Thái Lan, thì khác. Nhờ món nem nướng mà ông học được công thức từ cha khi di cư từ Huế sang Thái Lan, ông khởi nghiệp tại Udon Thani, một tỉnh nằm tại đông bắc Thái Lan. Giờ ông đã có chuỗi gần 20 cửa hàng “VT Nem Nướng” trải dọc ở xứ chùa Vàng. Từ đó, nhiều người gọi ông với biệt danh “Vua nem nướng”, nhất là khi món này của ông trở thành món ăn ưa thích của hoàng gia Thái Lan. Ông dùng chính tên “VT Nem Nướng” để đặt cho trung tâm thương mại quy mô lớn tại Thái Lan của mình, và xuất khẩu món này đến Singapore, Lào...

Chia sẻ về quãng thời gian khởi nghiệp nơi đất khách quê người, vị doanh nhân đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nói rất ít về những gì mình đã làm được. Thay vào đó, ông quan tâm nhiều hơn về cách làm sao để đưa được nhiều đặc sản các vùng miền Việt Nam đến các quốc gia. Ông kể, nhiều mặt hàng như nước mắm truyền thống Việt Nam tại Thái Lan bán giá rất cao, được người bản địa ưa chuộng, thậm chí còn được mua như một loại quà tặng…

Còn rất nhiều Việt kiều tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… khởi nghiệp từ phở, bánh mì… Họ, đều mong mỏi đưa những đặc sản quê nhà đến với bà con xa xứ, để phần nào đó giúp bà con vơi đi nỗi nhớ nhà. Và họ ước mơ biến những thứ bình dị của đất nước Việt Nam thành sản vật ở xứ người, để những “đồ nhà quê” Việt có một chỗ đứng khác biệt, ấn tượng trên bản đồ ẩm thực thế giới… 

Mong muốn kiều bào thành cầu nối đưa hàng 

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản mang tính mùa vụ như trái vải, trái nhãn, xoài... vẫn được phân phối tại các nước, nhờ các doanh nhân Việt kiều đứng ra làm đầu mối. Cục mong muốn cộng đồng doanh nhân kiều bào hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước kết nối với hệ thống phân phối tại các nước sở tại để có thể đưa nhiều hàng hóa Việt Nam ổn định bền vững sang các nước. Đồng thời chung tay đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia với phương châm “mỗi Việt kiều là một đại sứ thương hiệu” của sản phẩm Việt Nam ở địa bàn sở tại. 

Thư Hùng

Xem thêm: lmth.3425541a-man-teiv-ev-neyuhc-uac-gnuhn-ek-im-iaohk-pab-ihk/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Khi bắp, khoai mì… kể những câu chuyện về Việt Nam ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools