Thời điểm thích hợp săn hàng rẻ
Chọn hướng tiếp cận theo chủ đề đầu tư như thế nào trong năm 2023 đang là câu hỏi thường trực của nhà đầu tư lúc này. Kinh tế thế giới đang bước sang một chu kỳ mới, với lạm phát và lãi suất cao, chi phí vốn trở nên đắt đỏ, vì vậy, thanh khoản trên thị trường sẽ không còn dồi dào như trước. Dòng tiền trước đây mạnh mẽ chảy vào các tài sản rủi ro như chứng khoán, bất động sản thì giờ đây bị cạnh tranh bởi các tài sản rủi ro thấp hơn như tiết kiệm, vàng.
“Không nên tập trung vào một kênh đầu tư”, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nêu quan điểm.
Theo ông Duy Anh, với nhiều biến động trước mắt, nhà đầu tư nên đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng. Với lợi tức của một số mã trái phiếu của các doanh nghiệp tốt bị đẩy lên một mức tương đối cao như hiện tại, đây cũng là thời điểm tương đối thích hợp để phân bổ một phần tài sản vào trái phiếu của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, với lãi suất tiết kiệm lên đến 9 - 10%/năm như hiện tại, một lượng lớn dòng tiền đã tìm đến kênh gửi tiết kiệm để trú ẩn sau nhiều khó khăn của thị trường chứng khoán. Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận, theo thời gian, với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất nhờ định hướng hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong môi trường áp lực lạm phát, lãi suất được giải toả, mức định giá thị trường đang thấp và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh mẽ vào cuối năm 2022, dòng tiền sẽ dần quay trở lại kênh đầu tư chứng khoán.
Không giống như chu kỳ trước, khi dòng tiền rẻ và lãi suất thấp, giá cổ phiếu bị đẩy lên mức rất cao, với chu kỳ này, các cơ hội mua được cổ phiếu bị định giá thấp sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đây là thời điểm thích hợp để “săn” cổ phiếu rẻ cho tầm nhìn 5, 7 năm tới.
Lọc cổ phiếu tiềm năng
"Đầu tư công là một chủ điểm đáng quan tâm trong năm 2023." Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT |
Theo ông Duy Anh, trong môi trường lãi suất cao, gần như không doanh nghiệp nào được hưởng lợi, tuy nhiên vẫn còn một số ngành có sức chống chọi tốt hơn so với những ngành khác. Đơn cử như ngành bảo hiểm nhân thọ, khi lãi suất tăng, hiệu suất đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tăng khi phần lớn danh mục đầu tư vẫn nằm ở tiền gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng cho một số nghiệp vụ bảo hiểm sẽ giảm xuống, giúp doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện biên lợi nhuận của mình. Trong khi đó, với việc động lực tăng trưởng bên ngoài chậm lại, Chính phủ sẽ phải có các biện pháp đẩy mạnh đầu tư công để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Những doanh nghiệp có thể tham gia vào các dự án xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp cho các năm tiếp theo sẽ được hưởng lợi.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, đầu tư công là một chủ điểm đáng quan tâm trong năm 2023. Cụ thể, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng đã giảm trong những tháng gần đây, điều này có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
VNDIRECT kỳ vọng vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20 - 25% so với số thực tế năm 2022. Các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2023 như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay quốc tế Long Thành… Các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, biến động thị trường trong giai đoạn gần đây rất bất ngờ, có những lúc nhà đầu tư đã nghĩ rằng nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán hay dầu khí, mía đường... có mức tăng tốt, nhưng cuối cùng dòng tiền lại vẫn dịch chuyển giữa các nhóm ngành với tốc độ nhanh hơn. Đây cũng là đặc điểm của các pha điều chỉnh trung gian kéo dài từ 2 - 4 tuần hoặc kéo dài vài tháng. Hay nhóm tiện ích, cụ thể là nhóm cổ phiếu điện - được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ, thường giữ giá hoặc có tín hiệu khởi sắc hơn cả, đặc biệt nổi trội ở một số giai đoạn thị trường vận động không xu hướng, giai đoạn downtrend hay môi trường lạm phát tăng thì trong giai đoạn này chỉ một số ít cổ phiếu như NT2, PC1, VSH... giữ giá tốt hoặc tăng giá ấn tượng hơn, trong khi các cổ phiếu khác thì không.
Theo ông Khánh, giai đoạn có thể nói là tệ nhất của thị trường chứng khoán trong nước đã qua đi, nhà đầu tư sẵn sàng tâm thế để quay trở lại trong năm mới. Dòng tiền sẽ được cải thiện tốt, đặc biệt khi lãi suất huy động giảm, các nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với nhà đầu tư có ý định lướt sóng chỉ nên sử dụng tỷ trọng vốn nhỏ, hạn chế margin vì giai đoạn cận Tết Nguyên đán thường khó có sự đột phá mạnh. Còn với những nhà đầu tư dài hạn, tối thiểu từ 6 - 9 tháng thì quý I/2023 là thời điểm thích hợp để đón đầu mua cổ phiếu của các ngành có thể được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Nếu chọn chủ đề đầu tư cho năm 2023, không thể không nhắc đến câu chuyện đầu tư nương theo những doanh nghiệp, ngành được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sẽ có nhiều ngành được hưởng lợi liên quan đến khách du lịch Trung Quốc quay trở lại (hàng không, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng…), giá nguyên vật liệu phục hồi khi sức tiêu thụ của Trung Quốc hồi phục (thép, xi măng, dầu…), giao thương hai nước được nối lại (dệt may, thuỷ sản…). Nhìn xa hơn, nếu các điều kiện trên thị trường tài chính được hỗ trợ khi áp lực lạm phát, tỷ giá hạ nhiệt, đặc biệt liên quan đến vấn đề thanh khoản, một số ngành như chứng khoán, ngân hàng sẽ có cơ hội bật tăng sau giai đoạn giảm sâu. Sau cùng, một số ngành tăng trưởng ổn định có thể sẽ thu hút được sự quan tâm của thị trường trong giai đoạn vĩ mô nhiều biến động hiện tại như công nghệ thông tin, điện…
Theo đánh giá của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán DSC, thị trường Trung Quốc có thể hoàn toàn mở cửa trở lại trong 6 - 9 tháng nữa. Dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng, giá bán một số mặt hàng như nguyên vật liệu sẽ được cải thiện và nguồn cung sản phẩm dồi dào hơn, cải thiện tình trạng lạm phát trên thế giới. Tuy nhiên, tác động tích cực này cần một khoảng thời gian để phản ánh vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.