Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2023.
Theo báo cáo tổng kết, công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan, sai.
Thẩm phán cao cấp Trần Văn Châu - Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM phát biểu tại hội nghị vào hôm qua (3-1). Ảnh: HOÀNG GIANG |
Tuy nhiên, chất lượng giải quyết án hình sự vẫn còn nhiều bất cập và thiếu sót, thể hiện ở việc một số bản án hình sự sơ thẩm bị tòa Cấp cao hủy, sửa. Điều này đã được thể hiện tại tham luận của Tòa Hình sự TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Tình trạng nêu trên xuất phát từ ba nguyên nhân chính: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có nhiều thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; áp dụng không đúng quy định pháp luật.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Quá trình xét xử phúc thẩm cho thấy một số trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xác định không đúng và có sự lẫn lộn về tư cách tham gia tố tụng giữa người bị hại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Những sai sót này dẫn đến việc xác định không đúng quyền tố tụng (quyền kháng cáo) cũng như xác định không đúng về trách nhiệm bồi thường dân sự và các biện pháp tư pháp khác trong vụ án hình sự.
Có trường hợp, cấp sơ thẩm xác định tư cách giám hộ cho người bị hại không đúng và bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ví dụ: Bị cáo A là mẹ đẻ của người bị hại là người chưa thành niên, đang bị truy tố và xét xử về hành vi mua bán người (mua bán con đẻ). Cấp sơ thẩm xác định tư cách tố tụng của bị cáo A vừa là bị cáo, vừa là người đại diện hợp pháp cho người bị hại trong cùng vụ án là sai.
Thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ
Tòa Cấp cao tại TP.HCM dẫn chứng: Bị cáo bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Theo quy định, trường hợp này, phải có luật sư bào chữa cho bị cáo trong suốt quá trình lấy lời khai, đối chất…
Tuy nhiên, qua kiểm tra việc thu thập chứng cứ tại CQĐT cho thấy: Có duy nhất một lời khai ban đầu bị can thừa nhận hành vi phạm tội, các lời khai còn lại sau này, bị can không thừa nhận. Nhưng lời khai ban đầu này không thể hiện việc có sự tham gia của luật sư bào chữa.
Việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai duy nhất ban đầu này để buộc và kết tội đối với bị cáo. Trong khi đó, theo quy định tại các Điều 73, Điều 108 BLTTHS thì chứng này này chưa được xem là đã thu thập hợp pháp, vì lẽ đó không thể được dùng làm chứng cứ buộc tội.
Ngoài ra, quá trình xử phúc thẩm của Tòa Cấp cao tại TP.HCM cho thấy có trường hợp trước đó, bị cáo đã bị xét xử về một tội phạm khác, nhưng hồ sơ thể hiện quá trình điều tra chưa thu thập chứng cứ để xác định người này đã được xóa án tích hay chưa. Thiếu sót này được cho là thu thập chứng cứ không đầy đủ và ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Áp dụng pháp luật không đúng
Theo đánh giá của TAND Cấp cao tại TP.HCM, còn xảy ra tình trạng nhận định của HĐXX sơ thẩm mang tính chất phiến diện, chủ quan, thậm chí suy diễn mà không dựa trên cơ sở chứng cứ. Việc áp dụng pháp luật tùy tiện, dẫn đến việc cho bị cáo hưởng mức hình phạt dưới khung không đúng với Điều 54 BLHS.
Ngược lại, có trường hợp còn cứng nhắc trong quyết định hình phạt, gây bất lợi cho người phạm tội, đồng thời không đảm bảo về nguyên tắc phân hóa vai trò, mức độ tội phạm và không phù hợp với quy định tại Điều 17 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Một số vụ, không có sự công bằng trong việc quyết định hình phạt; áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội không đúng quy định của BLHS và hướng dẫn của TAND Tối cao…