Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 5-1 kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đẩy nhanh việc tăng lương, cảnh báo nền kinh tế có nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ nếu tăng lương chậm hơn sự gia tăng của giá cả hàng hóa.
Lạm phát đình trệ là sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát gia tăng, làm giảm sức mua của các hộ gia đình và không đủ tiền chi tiêu sinh hoạt. Song song với việc gây áp lực buộc các công ty có lợi nhuận phải tăng lương, chính quyền của ông Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển lao động, giúp người lao động Nhật Bản dễ dàng thay đổi công việc.
Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ chi 1.000 tỉ yen (khoảng 7,5 tỉ USD) trong 5 năm tới để đào tạo kỹ năng mới cho người lao động, đồng thời khuyến khích các công ty linh hoạt hơn trong việc tăng lương.
Theo Reuters, các công ty Nhật Bản có xu hướng thường thanh toán tiền thưởng một lần để khen thưởng hiệu suất làm việc hơn là tăng mức lương cơ bản cố định, vì vậy họ có thể dễ dàng điều chỉnh chi phí nhân sự trong thời điểm thuận lợi hoặc khó khăn.
Công nhân kiểm tra máy móc tại một nhà máy ở Higashiosaka - Nhật Bản Ảnh: Reuters
Tổng Công đoàn Nhật Bản (Rengo) sẽ yêu cầu tăng lương 5% trong các cuộc đàm phán về lao động và quản lý năm nay. Các nhà phân tích xem đó là một yêu cầu cao vì mức tăng lương hằng năm trung bình vào khoảng 2% trong vài năm gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng đã thúc đẩy các công ty thực hiện tăng lương vượt xa lạm phát, qua đó nâng lương thực tế. Họ lập luận rằng điều đó là cần thiết để thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng tốt trong nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Cũng căng thẳng không kém về vấn đề tiền lương, tại Anh, những người lái tàu thuộc Công đoàn Aslef đình công sau một cuộc tranh cãi kéo dài về vấn đề tăng lương. Trong khi đó, dịch vụ xe buýt ở phía Tây và Nam London cũng bị gián đoạn khi cuộc đình công của thành viên Abellio tiếp tục kéo sang ngày thứ 2.
Vấn đề tăng lương nổi cộm ở nhiều nơi sau khi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) tại Anh dự báo toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023 khi một số nền kinh tế sẽ thu hẹp do chính sách thắt chặt lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Các nhà phân tích cho rằng dù tốc độ tăng trưởng giá cả ở một số nền kinh tế đang giảm nhưng sự biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu và lạm phát lõi vẫn duy trì mức cao cho thấy lạm phát vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của năm 2023.
Dự báo của CEBR hoàn toàn có căn cứ khi biên bản cuộc họp vào tháng 12-2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa được công bố ngày 4-1 cho thấy FED vẫn cam kết nâng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian tới.
Theo Reuters, các quan chức FED cũng thừa nhận họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm qua trong việc tăng lãi suất đủ để giảm lạm phát. Chính vì vậy, FED hiện cần phải cân bằng cuộc chiến chống giá cả tăng cao cùng với rủi ro làm suy giảm nền kinh tế quá nhiều.
Biên bản cuộc họp cũng cho thấy FED có thể chuẩn bị hạ mức tăng lãi suất còn 0,25 điểm % trong cuộc họp vào ngày 31-1 đến 1-2, đồng thời để ngỏ khả năng mức lãi suất "cuối cùng" thậm chí còn cao hơn dự đoán nếu lạm phát cao kéo dài.
Xem thêm: nhc.11830524160103202-gnoul-neit-neyuhc-gnon-coun-ueihn/nv.fefac