Vào thời điểm cuối vụ hoa Tết, các nhà vườn ở phường Thới An, quận 12 (TP.HCM) có nhu cầu tuyển thêm nhân công để tập trung tỉa lá, bẻ nụ hoa cúc và cố định thân cây chuẩn bị đưa ra thị trường.
Người lao động làm việc thời vụ kiếm thêm thu nhập tại các vườn hoa ở phường Thới An, quận 12. Ảnh: TÚ NGÂN |
Theo bà Trần Thị Kim Lan, chủ vườn hoa tại phường Thới An (quận 12, TPHCM), thời gian càng về cận Tết, lượng công việc tại vườn hoa càng nhiều.
Do đó, phải thuê thêm nhân công thời vụ để đảm bảo hoa được chăm sóc tốt nhất. Sau công đoạn tỉa lá, ngắt nụ hoa, nhà vườn cũng cần thuê thêm nhân công để sơn lại chậu và sắp xếp lại hoa kiểng tại vườn.
Đây cũng là thời điểm để nhân công có nhu cầu tranh thủ kiếm thêm tiền.
Chị Nguyễn Thanh Thủy vừa nghỉ việc tại công ty cũ may mắn xin vào chăm hoa, bẻ nụ để có tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: TÚ NGÂN |
Vừa dừng công việc tại một công ty may mặc vào tháng 11, chị Nguyễn Thanh Thuỷ (quận 12) may mắn tìm được công việc tạm thời để trang trải cuộc sống vào những ngày cuối năm đó là tỉa lá, ngắt nụ cho hoa.
Hằng ngày, công việc của chị là ngắt những nụ hoa cúc ở các nách lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các nụ chính. Đây là công việc thời vụ đòi hỏi sự tỉ mỉ. Tất cả các nụ hoa đều phải được ngắt bằng tay để tránh hỏng những nụ chính.
"Mỗi ngày tôi đến vườn làm việc từ 7 giờ - 17 giờ, nghỉ trưa 2 tiếng và được bao cơm trưa với thu nhập là 250.000 đồng/ngày. Nếu chăm chỉ làm thêm ca tối, người lao động có thể kiếm được 350.000 đồng/ngày" - chị Thủy cho hay.
Sau khi tỉa lá, những nụ mai tròn trịa lộ ra hứa hẹn sẽ trổ bông đúng thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: TÚ NGÂN |
Làm công việc chăm sóc hoa hơn một tuần nay, bà Phạm Ngọc Ánh (trú tại quận 12) cho biết, năm nào bà cũng được thuê để chăm sóc hoa Tết.
Bà Ánh làm tạp vụ tại một trường ĐH ở TP.HCM, nhưng vào thời điểm nghỉ Tết, trường học tạm ngưng nên bà chuyển sang nghề ngắt lá, bẻ nụ hoa cúc để tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Ghi nhận tại một số vườn mai tại TP Thủ Đức những ngày này, một số người dân lao động cũng đang tất bật lặt lá để hoa mai nở đúng vào dịp đầu năm mới.
Đa phần người làm nghề lặt lá mai là phụ nữ vì công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: TÚ NGÂN |
Bà Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi, quận Bình Chánh) tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi xin vào làm công việc này. Công việc này đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ để không làm gãy nụ hoa, cần tính kiên nhẫn cao vì sẽ phải ngồi nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng. Tôi làm ở đây khi nào vườn lặt xong thì nghỉ dự kiến khoảng 17 tháng Chạp, cận Tết tôi tranh thủ kiếm thêm chút tiền để sắm sửa Tết trong nhà đầy đủ hơn một chút."
Anh Nguyễn Thành Nhân rất cẩn thận trong việc lặt lá mai, xong cây này anh lại chuyển sang cây khác, lặt càng nhiều cây sẽ có thêm tiền công thưởng thêm. Ảnh: TÚ NGÂN |
Anh Nguyễn Thành Nhân vừa lặt xong một cây mai cho biết thêm, đây là lần đầu tiên đi lặt lá, mọi năm trước anh chỉ tham gia lặt lá mai cùng gia đình, chỉ có vài cây chơi Tết thôi.
Thông thường 1 cây mai nhỏ phải mất nửa ngày là lặt sạch lá, với những cây to phải 2, 3 người cùng nhau lặt khoảng một ngày mới xong, với những cây cao phải dùng ghế mới lặt hết lá trên cao.
Được biết, mỗi ngày người lao động sẽ bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 - 17 giờ là kết thúc. Trung bình mỗi ngày công sẽ được trả 250.000 – 300.000 đồng cho một ngày làm việc, nhận sau mỗi ca làm.
Người lao động có thêm kiếm từ 2 đến 3 triệu đồng để sắm sửa cho gia đình trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Những cây mai đã được lặt sạch lá chờ ngày giao cho khách hàng. Ảnh: TÚ NGÂN |