Tuổi Trẻ Online xin trích đăng ý kiến của bạn đọc Lê Ngọc Thức (tên Tuổi Trẻ tạm gọi).
Vì sao hát karaoke trong khu dân cư tồn tại?
Những năm vừa qua, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nỗ lực xử lý vấn nạn hát karaoke trong khu dân cư, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Theo tôi, ta nên xét đến một số căn nguyên sâu xa hơn của vấn nạn này. Thứ nhất là sự chuyển biến theo chiều hướng xấu của đời sống cộng đồng. Xưa nay người Việt chúng ta nổi tiếng là đùm bọc, nhường nhịn nhau, coi trọng tình cảm láng giềng.
Tuy nhiên những năm qua, thành phần dân cư xáo trộn liên tục cùng với lối sống ích kỷ, bất chấp dư luận trong thời đại Internet đã làm xói mòn tinh thần đoàn kết tốt đẹp ấy.
Những người xấu cấu kết, lôi kéo, làm tha hóa một bộ phận người dân, khiến họ sa đà vào những thú vui quái gở của bản thân bất chấp sự phiền hà, khổ sở của đồng bào trong không gian đô thị hóa đất chật người đông. Một trong những thú vui quái gở ấy là hát karaoke trong khu dân cư bất kể ngày đêm.
Trước đây, chúng ta đấu tranh với thói hư tật xấu trong cộng đồng nhờ sức ép của dư luận quần chúng, nhờ sự dẫn dắt của đội ngũ cán bộ có uy tín và tâm huyết.
Tôi lo ngại rằng khoảng trống của các cán bộ, tổ chức tổ dân phố sắp tới đây sẽ làm trầm trọng thêm vấn nạn hát karaoke trong khu dân cư này, cùng các tệ nạn xã hội nói chung.
Thứ nhì là những khó khăn của lực lượng chức năng ở cấp cơ sở, vốn nhiều việc, ít người. Thú thật, tôi rất thương xót khi nhìn các cán bộ vất vả lên xuống nhiều lần chỉ để nhắc nhở những đối tượng gây rối, hát karaoke trong khu dân cư, phá vỡ sự yên bình của khu phố.
Còn những người gào thét, hát karaoke trong khu dân cư này thì cứ trơ trơ thách thức, nể lắm là tạm giảm âm lượng để rồi lại tiếp tục mở lớn hơn khi khuất bóng công an.
Tại sao ngày trước, nhắc đến công an, chúng ta có thể răn đe được những thành phần bất hảo? Còn bây giờ, ngay cả những kẻ giá áo túi cơm cũng manh động, sẵn sàng chống đối? Do thiếu kiên quyết chăng?
Chúng ta vẫn chưa quên vụ "con đánh công an, mẹ quay clip" tối mùng một Tết vừa rồi ở giữa quận 1 (TP.HCM), mà đó là đồng chí công an chỉ mới nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Phạt càng nhiều vụ hát karaoke trong khu dân cư càng tốt
Theo tôi, chỉ cần người có chức trách chứng kiến, có thể có thêm sự làm chứng của một người khác về hành vi hát karaoke trong khu dân cư vì vốn tự nó công khai, phô trương chứ đâu phải lén lút, thì có thể xử phạt được rồi.
Không cần phải đo cường độ âm thanh như trong sản xuất công nghiệp để phải huy động nhiều cơ quan, trang bị, quy định, trừ những trường hợp nghiêm trọng.
Bởi tôi e rằng các mức độ phạt cho việc gây tiếng ồn như hát karaoke trong khu dân cư theo quy định hiện nay là chưa đủ răn đe, và chưa tạo đủ điều kiện cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ xử lý nghiêm, triệt để.
Ngoài việc sửa quy định cho phù hợp thì cần vận dụng một cách linh hoạt những văn bản hiện hành, cộng với việc kết hợp phong trào thi đua giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương thì chúng ta có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường sống chung trong lành.
Và đừng ngại thưởng cho những người làm tốt phận sự. Đừng ngại phạt những kẻ no cơm ấm cật, dư dật sênh ca. Nói ngắn gọn, trong tình hình hiện nay, phạt được càng nhiều vụ hát karaoke trong khu dân cư thì càng tốt, để nâng cao ý thức.
Để làm được điều đó, ngoài những ý trên, tôi nghĩ điều quan trọng là cần khôi phục uy tín, uy thế của pháp luật, của lực lượng thực thi nguyện vọng của quần chúng tiến bộ thể hiện qua pháp luật.
Bởi nếu pháp luật chỉ là trên giấy, một số người sẽ sẵn sàng chà đạp lên nó, sẽ dựng lên cái luật rừng của chính họ, tự cho quyền tự tung tự tác. Từ đó mọi người còn lại sẽ trở thành nạn nhân, như chúng ta đang gặp phải vấn nạn hát karaoke trong khu dân cư.
Sự tự do vô độ và các tệ nạn xã hội có mối liên quan chặt chẽ. Các đối tượng gây ồn ào, náo loạn hầu hết đều trong trạng thái kích động tâm thần, chủ yếu do bia rượu hoặc các chất kích thích khác.
Theo tôi, đây là một yếu tố nên được lưu ý trong khi soạn thảo và vận dụng pháp luật, trong cả quá trình kiểm tra, xử lý các tệ nạn xã hội nói chung cũng như vấn nạn hát karaoke trong khu dân cư.
Tôi còn muốn đề cập thêm đến những thứ gây nghiện về mặt tinh thần, đó là các nội dung độc hại, vô bổ, mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin. Thị hiếu của số đông không phải lúc nào cũng bổ ích. Sự quản lý văn hóa rất quan trọng, dù có vô vàn chông gai, búa rìu.
Thật đau lòng khi chứng kiến những nhạc phẩm truyền thống, cách mạng thiêng liêng của dân tộc, sừng sững vượt qua những phong ba của lịch sử hay những bản nhạc trữ tình mà mấy năm gần đây phải tủi hổ chịu lép vế trước những thứ nhạc "vàng thau" lẫn lộn, chát chúa búa đinh.
Thử hỏi giữa cơn túy lúy, bao nhiêu lần người ta "hát với nhau" những bản nhạc cách mạng vẻ vang, khúc nhạc trữ tình giữa thành phố lớn? Còn ngược lại, người ta đang nhai đi nhai lại những bản nhạc chỉ có thể gọi là "ép cho dân tôi nghe".
Vấn nạn tiếng ồn từ việc hát karaoke trong khu dân cư thật sự là một thứ tai ách mà chúng ta phải gánh chịu vô tội vạ. Những diễn đàn mở để mọi người cùng chia sẻ những khó khăn, phản ánh của mình trong việc này, vừa giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin để xử trí là rất cần thiết.
Chúng ta rất nên ủng hộ cho việc tưởng thưởng những người tốt, việc tốt. Và buộc những người vi phạm như việc hát karaoke trong khu dân cư phải lao động công ích. Tất cả đều công khai, minh bạch để duy trì trật tự xã hội.
Cái tốt cần khen thưởng, cái xấu phải phê phán, chỉ đơn giản thế thôi, chúng ta đừng làm ngược lại. Cỏ dại phải nhổ đi thì lương thực sẽ dồi dào, đời sống mới ấm no. Suy cho cùng, gieo nhân nào thì gặt quả đó.
Nếu không chung tay xử lý nghiêm, dẹp vấn nạn hát karaoke trong khu dân cư thì chính chúng ta sẽ lãnh nhận hậu quả đầu tiên. Đó là điều đương nhiên!
Cần quan tâm sức khỏe tâm thần người hát karaoke trong khu dân cư
Sức khỏe tâm thần cũng là một khía cạnh cần quan tâm, bởi vì những người hay làm ồn, luôn muốn hát karaoke trong khu dân cư có thể cũng đang gặp phải một điều gì bế tắc. Có thể họ bị ảnh hưởng của việc lạm dụng chất kích thích, hay sự mặc cảm thua kém.
Họ có thể dư thừa thời gian, tiền bạc, nhưng lại hạn chế về trình độ hiểu biết, nhận thức, đặc biệt là trình độ thẩm mỹ. Để khỏa lấp sự tự ti này, họ luôn có nhu cầu chứng tỏ rằng họ có "gu" âm nhạc, có giọng hát hay, ảo tưởng một "sứ mạng khai sáng" cho mọi người về trình độ của bản thân.
Khi bị phê phán, họ có thể chống đối dữ dội vì khuyết thiếu kỹ năng sinh hoạt, ứng xử trong cộng đồng, nề nếp kỷ luật, sự tự kiềm chế...
Vì vậy, những người xung quanh nên bù đắp, nâng đỡ lòng tự trọng của họ để giúp các đối tượng tiến bộ hơn. Cộng đồng, xã hội cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về nếp sống văn minh, nghĩa vụ giữ gìn sự yên tĩnh chung, trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng trọng điểm tại khu dân cư.
Điều đó không bao giờ cũ, không bao giờ thừa. Mọi người cần quán triệt tinh thần: "Làm ồn là xấu, gây rối là xấu". Chúng ta đều biết rằng vạn vật đều có trật tự trước - sau, trên - dưới. Sự đảo lộn các giá trị luôn dẫn đến rối loạn cho xã hội.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có bao giờ gặp phải tình huống nhà hàng xóm hát karaoke hết ngày này qua ngày khác? Khi gặp tình huống này bạn có báo chính quyền địa phương và được giải quyết ra sao? Theo bạn, nên làm gì để dẹp ngay việc hát karaoke trong khu dân cư?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Bạn đọc LÊ NGỌC THỨC
"Hét" karaoke bằng thiết bị chuyên nghiệp lẫn loa kẹo kéo trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi... mùa xuân về.
Xem thêm: mth.22124721121103202-uc-nad-uhk-gnort-ekoarak-tah-nan-nav-yagn-ped-iahp/nv.ertiout