Những ngày qua, xe tải nườm nượp đổ về vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung khiến các ngả đường kẹt cứng.
Theo các chủ vườn, năm nay hoa cúc tại làng được đặt mua sớm. Giá bán hoa Tết 130.000 - 150.000 đồng/chậu 50cm; 200.000 - 250.000 đồng/chậu 60cm; 380.000 - 420.000 đồng/chậu 70cm; các chậu 1m được bán giá 1,2 - 2 triệu đồng.
Thương lái Hà Nội, TP.HCM đều có mặt
Khác mọi năm, thương lái chủ yếu ở Quảng Ngãi và các tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đến làng hoa hỏi mua. Năm nay, nhiều thương lái ở TP.HCM, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nội… đều có mặt ở làng hoa.
Anh Lê Thanh Bình (thương lái từ TP.HCM) cho biết: "Tôi nghe danh tiếng làng hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ nên tìm đến xem và đặt cọc hơn nửa tháng trước. Nay thuê xe chở vào TP.HCM bán.
Phải nói hoa rất đẹp, bà con chăm rất đạt. Không chỉ bông mà thân lá đều được giữ nguyên. Dù chi phí có đội lên nhưng tôi nghĩ hoa đẹp thế này sẽ nhanh chóng bán hết", anh Bình nói.
Đi cùng anh Bình là thương lái Trần Quốc Sĩ (TP Biên Hòa). Anh Sĩ nói 500 chậu hoa vận chuyển hôm 18 tháng chạp đã bán gần hết. Nay anh tiếp tục ra làng hoa Nghĩa Hiệp mua thêm 400 chậu nữa.
"Nhưng giờ không còn hoa để mua, tôi phải chia lại từ các thương lái đã đặt cọc trước đó. Tính ra chi phí tăng thêm khoảng 50.000 đồng/chậu. Nhưng lúc này có hoa đã mừng rồi", anh Sĩ nói.
"Cả làng đại thắng!"
Mọi ngả đường về làng hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ đều kẹt cứng khi xe về chở hoa quá đông. Dọc các tuyến đường vào làng, xe tải tấp nập. Tất cả khoảng đất trống dọc đường đều trở thành nơi tập kết hoa, kể cả sân UBND xã.
Tài xế Bùi Vạn Thuận thở dài khi di chuyển khoảng 4km từ làng hoa ra quốc lộ 1 nhưng mất đến gần 5 giờ. Chung cảnh, nhiều tài xế xe tải khác cũng nhích từng tí một. Khổ nhất là các tài xế xe trọng tải lớn đi đường dài, xe quá lớn khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.
"Tôi chở 500 chậu hoa, thời gian bốc chỉ 2 tiếng, mà thời gian ra vào làng đến tận 8 tiếng. Từ đầu mùa đến giờ tôi chở được 6 chuyến mà chuyến nào cũng kẹt cứng vầy", tài xế Đỗ Văn Thành Nhật (TP.HCM) nói.
Năm nay, người trồng hoa cúc phấn khởi vì hoa được mùa, được giá. Anh Hồ Lâm, một hộ trồng hoa cúc ở làng hoa Nghĩa Hiệp, cho biết anh trồng 700 chậu cúc pha lê loại đường kính 50-70cm. Hiện toàn bộ đã được bán hết.
"Đầu năm sợ kinh tế khó khăn sẽ khó bán. Nhưng bất ngờ lại bán hết từ sớm. Năm nay nhiều thương lái các tỉnh phía Nam, phía Bắc về nên làng hoa không đủ cung ứng. Cả làng đại thắng", anh Lâm nói.
Ở làng hoa cúc lớn nhất miền Trung này, thu nhập chính của người dân dịp cuối năm dựa hoàn toàn vào giá và số lượng hoa bán ra. Để hoa có giá cao, người dân chăm bón rất tỉ mỉ, giữ được lá xanh đến tận gốc kết hợp với bông nở rộ để tạo vẻ đẹp cân xứng cho chậu hoa.
Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi nhưng người dân có kinh nghiệm nên hoa đều đạt chuẩn và thương lái rất hài lòng.
Theo chính quyền huyện Tư Nghĩa, mỗi năm thủ phủ hoa cúc miền Trung cung ứng ra thị trường Tết từ 400.000 - 800.000 chậu.
Năm nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, bù lại hoa dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn năm trước và số lượng ít nên người trồng hoa rất phấn khởi.
Số lượng hoa ít, tư thương mua chủ yếu vận chuyển ra ngoài tỉnh. Thị trường trong tỉnh dự báo khan hiếm hoa cúc.
Ông Phạm Văn Tân, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết số lượng hoa trồng tại xã năm nay rất đạt. Đến nay, tất cả hoa đã được bán hết khiến người dân rất vui.
"Vui hơn nữa là ngày 6-1, làng hoa Nghĩa Hiệp đã đón nhận bằng công nhận nhãn hiệu "Hoa Nghĩa Hiệp" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp. Đây là niềm khích lệ to lớn để làng hoa hơn 50 năm tuổi này tiếp tục phát triển và đa dạng sản phẩm phục vụ Tết hơn", ông Tân nói.
TTO - Mưa liên tiếp những ngày qua khiến người trồng hoa bán dịp tết Kỷ Hợi 2019 thấp thỏm. Thống kê sơ bộ khoảng 10-20% hoa cúc mâm xôi tại Bến Tre bị nở sớm, một số loại hoa khác bị vàng lá, thối rễ.
Xem thêm: mth.22174653121103202-gnuc-tek-gnurt-neim-cuc-aoh-uhp-uht-ev-au-ial-gnouht/nv.ertiout