Dường như Tết là mùa đoàn viên không còn là ý niệm khiến người ta thôi thúc quay về, trong đó có ý niệm chủ quan: sợ Tết, không thích Tết.
ThS tâm lý LÊ MINH HUÂN lý giải về hiện tượng này:
- Thực ra, trong lòng mỗi người luôn có gia đình, luôn hướng về những người thân yêu nhưng một số không vượt qua được "sự kỳ vọng".
Kỳ vọng của bản thân, rằng về thì về "cho đáng" - cái đáng ở đây có thể là làm cho ông, bà, cha, mẹ tự hào; là thu nhập tốt; là thành công/thành tựu. Kỳ vọng còn đến từ người khác, từ gia đình, thân bằng quyến thuộc tới lối xóm, rằng "thằng A, con B đi làm ở thành thị/sống ở thành thị... nên...".
Một số có thể còn vì "lòng tự tôn thấp" hoặc "tự đánh giá thấp" nên "sĩ diện" rồi hẹn lại năm sau. Số ít khác vì đánh giá sai cán cân giữa "tình cảm gia đình" và "đồng tiền", trong đó cán cân thiên về tiền.
Dẫu cho gia đình quá khó khăn, phải tăng ca để có thu nhập tốt hơn đi nữa thì trong thâm tâm, đứa con nào cũng hướng về nhà, muốn về nhà nhưng "cực chẳng đã" đành đoạn ở lại, lòng không khỏi bùi ngùi, tủi phận.
* Vậy với anh, Tết trong tiềm thức ra sao?
- Ăn sâu trong tư duy của người Việt, Tết thuần túy luôn đẹp, thiêng liêng và là dịp quan trọng hơn mọi dịp để gặp gỡ, hàn huyên, sum vầy, cổ vũ nhau trên mọi phương diện, trên hết là dịp nhớ tới tổ tông, ông bà, hiếu kính với cha mẹ, thắt chặt mối quan hệ xung quanh.
Nghe chữ Tết, dù trong cơn ngặt nghèo vẫn ít nhiều xốn xang, chộn rộn cho đến khi nhìn vào thực tại cuộc sống còn khó khăn, gia đình chưa ổn định, công việc còn bấp bênh hay bản thân chưa là ai, người ta mới bất giác kéo bản thân mình về với hiện thực, dù ngay phút trước còn thấy ấm áp với "hình cảnh Tết trong tâm trí".
* Đầu năm chúng ta nên làm gì để tạo sự gắn kết tình thân, hàn gắn những rạn nứt nếu có?
- Bất kể mối quan hệ nào cũng cần được chăm sóc. Thói thường, chúng ta hay chạy đông chạy tây chăm sóc các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, sếp - nhân viên... Cả năm tập trung làm hài lòng người khác, đôi khi quên mất sự tủi hờn, ấm ức, buồn lo của người thân bên cạnh - những người chúng ta mặc định "yêu vô điều kiện".
Tết dù muộn, dù chóng vánh vẫn nên dành cho người thân thời gian chất lượng. Dù chỉ gặp 10 phút/năm thì hãy toàn tâm toàn ý cho 10 phút đấy, không lơ là, không hời hợt, không gây thêm thương tổn. Ngược lại, nếu từng gây tổn thương, hãy mở lời xin lỗi, hãy giải thích và hãy sửa đổi.
Tết đôi khi được xem là dịp hệ trọng để tha thứ cho nhau, để soi xét lại mối quan hệ, để hàn gắn những rạn nứt vì không mấy khi người ta đặt xuống tự tôn, tạm quên gánh nặng cơm áo để ngồi bên nhau, nghe và hiểu nhau nhiều như vậy.
* Với những người trẻ đang xa rời những giá trị truyền thống của dân tộc, hồn cốt để kiến tạo tâm hồn mình là người Việt, anh có chia sẻ gì?
- Bạn cứ sống theo cách bạn muốn đi, nếu thấy "sai sai" thì đừng quên quay lại. Quay lại xem tại sao việc mình làm chưa logic, nhiều lời bàn ra tán vào, chính bản thân mình cũng thấy chưa ổn. Nếu thấy việc gì chưa rõ ràng, hay bị phản bác tức là chưa ổn.
Tết cũng vậy, quét dọn, soạn sửa, nấu một mâm cơm, thắp nén hương dâng lên tổ tiên, ngồi tâm sự với cha mẹ, anh em, đến thăm nhà thầy cô giáo cũ, gặp gỡ lối xóm, dòng họ, gìn giữ gia phong, truyền thống gia đình... chính là "giữ mình, tôn trọng văn hóa gia đình, sống đúng với giá trị truyền thống của dân tộc".
Hiên nhà Tết đợi người
Cái thời con còn thơ bé, hiên nhà là nơi tụ tập chơi trò nhảy dây, bắn bi, lò cò. Những ô vuông bằng phấn trắng kẻ chồng chéo lên nhau, mấy cái đầu chụm lại rải sỏi tìm ô ăn quan. Có cái ngước mắt ngóng ra ngoài ngõ, mỏi cổ chờ má đi chợ đợi ba đi làm về.
Rấm rứt trông mong suốt cả tuổi thơ. Bịch chè trong giỏ xách nhựa đi chợ màu đỏ của má, quà bánh trong bọc đồ bám bụi đường của ba, luôn được chào đón háo hức ngay từ phía trước cửa nhà.
Sau buổi chợ, mấy bà hàng xóm đi qua lót dép ngồi ngay bậc hiên, ngửa cái nón lá tám chuyện gần xa. Nay cá biển ngang tươi dong rẻ rề nên mua cả rổ về muối mắm để dành mùa bão, mai giá thịt lên chắc đành ăn rau cả tháng.
Nhà bà kia vừa đẻ bầy chó con ú nụ phải ghé xin một con về nuôi giữ trộm. Nhà ông nọ có đàn ngỗng hung dữ hay mổ cắn canh người lạ. Rót hết ấm chè xanh, đủ mọi nhẽ trên trời dưới đất chỉ dừng lại khi mặt trời đứng bóng.
Bóng chiều êm ả ngả đọt chuối sau vườn, nơi thềm nhà má cầm cây lược dày chải bầy chí mén trên mái tóc bé con. Cũng có đôi khi đứa con ngồi nhổ tóc sâu cho má, hớn hở đòi công 200 đồng mua cà rem nhem thèm đứa bạn.
Hoặc bữa sáng trời, cả nhà ông già ra hiên trải tấm chiếu nằm ngắm trăng uống trà hóng gió. Cứ cơn gió tự nhiên thổi lào xào vườn cây, đứa con út nhìn tán lá xoài đu đưa mà ôm chặt cứng chân má vì sợ ông kẹ. Rồi con bé sẽ nằm dang tay dang chân ra chiếu, đếm từng ngôi sao trên bầu trời đêm cao vời vợi, thả vào đó chút mơ mộng xa xăm.
Ở hiên nhà, ta nghiêng sáng nghiêng chiều quét lá mỗi ngày. Tới khi chạp về se sắt bên hiên, lại bày biện lau lá dong lá chuối, gói bánh chưng, cột bánh tét.
Cả năm làm lụng chắt chiu gói ghém cho cái Tết rộn ràng ấm áp. Ba đem lư đồng ra đánh bóng, sáng choang dưới cái nắng hanh giòn. Má xếp mấy thẩu thịt muối phơi cho màu mắm lên đỏ au.
Thời gian bạc màu khẽ khàng trôi qua cửa, ngồi nơi hiên nhà nghe tiếng lá rơi, mùa qua mùa lại, người lớn người đi, người già về lại chờ người đi. Mười mấy năm trời đứa con mãi đợi, rồi tới lúc ba má lại đứng ở đó, dưới mái nhà mỏi ngóng những đứa con đi xa trở về...
Về đi thôi để hiên nhà không còn phải đợi.
NY AN
Tết Quý Mão 2023 cận kề, nhiều bạn trẻ đã sửa soạn hành lý về quê ăn Tết, nhưng cũng có những bạn chọn ở lại TP.HCM tìm việc làm thêm.
Xem thêm: mth.86652809051103202-gnohk-ev-oc-yan-tet/nv.ertiout