Trong tập sách Mèo chính là nghệ thuật nhưng bị đánh vần sai, cây bút Maria Bustilos lập luận rằng sự ám ảnh của chúng ta với loài mèo có căn nguyên sâu xa từ việc ta muốn bắt chước cách chúng tự thể hiện bản thân.
Theo lẽ này, con người khao khát một số phẩm chất ở loài mèo.
Phận mèo cũng lắm truân chuyên
Không phải lúc nào mèo cũng giữ được vị thế được yêu mến, tôn sùng. Thời cổ đại, những ngôi đền của người Ai Cập thường đặt một con mèo được điêu khắc tinh xảo để tượng trưng cho hiện thân thần Mặt trời Ra. Với bản năng săn mồi khéo léo, chúng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các pharaoh ở thế giới bên kia.
Viết trong cuốn sách Cats In Art, tác giả Desmond Morris cho biết đối với người Ai Cập cổ đại, mèo đóng năm vai trò riêng biệt trong nền văn hóa: vật nuôi, thợ săn, kẻ giết sâu bọ, một ẩn dụ phổ biến cho những câu chuyện châm biếm hoặc như các vị thần.
Từ Ai Cập, mèo giương chiếc vuốt bé xíu đến La Mã và Hy Lạp, hiện diện trong những câu chuyện cổ Bắc Âu, kéo xe cho nữ thần Freja và trở thành bạn đồng hành của xã hội nông nghiệp vì khả năng bắt chuột.
Tuy nhiên, vị thế của chúng đột ngột thay đổi ở giai đoạn Trung cổ. Khi Cơ đốc giáo muốn làm suy yếu các nền văn minh cổ đại, mèo đen được xem như biểu tượng của dị giáo, ngoại giáo và điềm rủi.
Nghệ thuật trong sự gắn liền mật thiết với tôn giáo đã nhiều lần "ác hóa" loài mèo. Trong bức The Last Supper, họa sĩ Domenico Ghirlandaio vẽ một con mèo ngồi sau Judas nhằm minh họa cho sự bội thề.
Hay ở bức tranh Birth of John the Baptist do họa sĩ Jan van Eyck sáng tác, con mèo có thể là lời tiên tri cho cái chết đau đớn của thánh John.
Thời Phục hưng, danh họa Hieronymus Bosch vẽ cảnh Chúa giới thiệu Eve với Adam trong bức The Garden of Earthly Delights. Ngay bên cạnh, họa sĩ không quên điểm xuyến thêm một con mèo đang ngậm chuột để báo hiệu cho tương lai tăm tối sẽ đến với nhân loại.
Với bậc thầy vĩ đại Leonardo da Vinci, mèo là đối tượng nghiên cứu khoa học nhưng cũng giàu tính thẩm mỹ. "Con mèo dù nhỏ nhất cũng là một kiệt tác" - ông viết trong cuốn sổ tay đầy ắp phác họa về loài động vật quyến rũ này.
Mèo phản ánh ý chí xã hội
Không chỉ mang trên mình những giá trị thời đại, tôn giáo, mèo còn có khả năng phản ánh tiếng nói của họa sĩ liên quan đến vấn đề xã hội.
Viết trên tạp chí khoa học Journal18, giáo sư lịch sử nghệ thuật Amy Freund cho rằng mèo là hiện thân của một trong những lý tưởng hấp dẫn nhất nhưng cũng cấp tiến nhất của thời kỳ Khai sáng: tự do cá nhân. Sự tự do này có thể hủy hoại chế độ quân chủ và đả phá gông xiềng nô lệ.
Amy Freund đã dẫn lời triết gia Rousseau (cũng là một người thích mèo) cho vấn đề này: "Một con gà mái sẽ tuân theo mệnh lệnh của bạn, nếu bạn có thể làm cho nó hiểu chúng. Nhưng một con mèo dù có hoàn toàn hiểu bạn thì vẫn không vâng lời".
Vì cớ đó, các triết gia và nghệ sĩ Khai sáng đã tìm được người bạn đồng hành cho sự phản kháng của họ. Điêu khắc gia Pierre-Nicolas Beauvallet đã tạc bức phù điêu La Liberté mô tả nữ thần Tự do ngồi đối diện một con mèo.
Vào những năm 1900, một lần nữa loài mèo lại được giới nghệ sĩ chú ý. Họa sĩ người Pháp Théophile-Alexandre Steinlen liên tiếp thực hiện nhiều bức tranh ngụ ngôn trong giai đoạn mà mèo được xem như biểu tượng của sự phóng túng (đặc biệt là phụ nữ phóng túng).
Steinlen dùng những tác phẩm của mình để ủng hộ cho tầng lớp lao động với lối sống hiện đại và giễu nhại các chuẩn mực giả tạo của giới tư sản Paris.
Việc nhân cách hóa loài mèo thậm chí còn đậm đặc hơn ở đất nước Nhật Bản. Đầu những năm 1940, Mạc phủ Tokugawa thi hành lệnh cấm các họa sĩ vẽ kỹ nữ, geisha, kabuki (ca vũ kỹ).
Để vượt qua kiểm duyệt, Utagawa Kuniyoshi thường dùng mèo minh họa cho các nghệ sĩ ca vũ kỹ. Mỗi diễn viên đều có phong thái và tính cách riêng. Những chú mèo trong bản in của ông đều là ngôi sao nổi tiếng thời Edo.
Ngày nay, loài mèo không còn gánh trên mình những biểu trưng xã hội, tôn giáo. Chính vì thế, cách chúng đi vào hội họa cũng không còn khuôn ép, ước lệ. Các hình thái của loài mèo được miêu tả đơn giản, hòa vào đời sống con người hiện đại. Dù vậy, chúng vẫn chưa bao giờ ngơi bớt đi sức hút mãnh liệt của mình.
Quốc gia "cuồng mèo"
Nhật Bản là quốc gia "cuồng mèo". Từ thế kỷ 17, chúng đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân vẽ tranh khắc gỗ. Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi bị ám ảnh bởi loài mèo đến mức hầu hết tác phẩm của ông đều có hình bóng chúng.
Bức Cats Suggested As The Fifty-three Stations of the Tkaid vẽ các sắc thái mèo đã trở thành tác phẩm kinh điển của Nhật Bản và tạo nên tên tuổi cho Utagawa. Một loạt bức khác của ông như Catfish, Four Cats in Different Poses, The Story of Nippondaemon and the Cat... vẫn còn được in ấn trên các bản khắc gỗ ukiyo-e đến tận ngày nay.
Chào đón năm mới, nhiều tạo hình linh vật mèo mừng xuân Quý Mão cũng được dịp ‘ra mắt’ trước công chúng với nhiều tạo hình và sắc thái khác nhau.
Xem thêm: mth.31680449071103202-oan-eht-uhn-aoh-ioh-ioig-eht-irt-gnoht-oem-iaol/nv.ertiout