vĐồng tin tức tài chính 365

Sai phạm của 4 cán bộ khiến 3 anh em bị bắt oan

2023-01-30 12:41

Sau nhiều năm bị gia đình các nạn nhân khiếu nại, năm 1989, thiếu tá Nguyễn Hữu Đô, lúc bấy giờ là Đội trưởng Hình sự Công an quận 6, cùng nhiều cán bộ công an, viện kiểm sát bị kỷ luật và xử lý. Vụ án từng gây xôn xao, bức xúc dư luận.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 27/2/1985, bà Cúc ở đường Bãi Sậy, phường 4, quận 6, trình báo công an bị mất trộm 5,5 lượng vàng, 118.000 đồng và một số nữ trang. Thiếu tá Nguyễn Hữu Đô đến hiện trường trong đêm và bắt ngay 3 người con của bà Đồng Thị Ba (mẹ vợ ông Cường) là Hà Văn Được, Đồng Văn Út và Trần Đức Ẩn (con rể).

Cũng có mặt tại hiện trường sau đó, ông Trần Văn Răng, Đội phó Hình sự Công an quận 6, nhận định "đây là hiện trường giả" và trả tự do cho 3 người trên. Tuy nhiên, sếp Đô không đồng ý, cho rằng mái tôn nhà bà Ba (sát vách nhà bà Cúc) có lỗ hổng vừa một người chui qua nên báo cáo cấp trên ký lệnh bắt khẩn cấp, khám xét những người trong nhà bà Ba.

Lần này, ông Trịnh Dân Cường cùng ông Được (anh vợ) và Ẩn (anh cột chèo) bị bắt, còn Đồng Văn Út (em vợ công Cường) được thả. Qúa trình điều tra, cả ba anh em ông Cường đều một mực kêu oan.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra chỉ thu được dấu vân tay của bà Cúc nhưng ông Đô lại viết kết luận điều tra với nội dung "3 anh em ông Cường đã thực hiện hành vi phạm tội" và "là những người có nhiều tiền án, tiền sự". Thiếu tá cảnh sát này sau đó báo cáo miệng với ông Võ Tấn Sỹ, Phó Công an quận 6, đề nghị chuyển vụ án lên Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP HCM với lý do "các nghi can không chịu khai nhận hành vi phạm tội".

Ông Trịnh Dân Cường, người bị bắt oan 38 năm trước nhưng chưa được xin lỗi, bồi thường. Ảnh: Hải Duyên

Ông Trịnh Dân Cường bị bắt oan 38 năm trước nhưng chưa được xin lỗi, bồi thường. Ảnh: Hải Duyên

Trưởng Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP HCM Nguyễn Kiên Trung đã ký lệnh tạm giữ và chuyển 3 anh em ông Cường qua trại tạm giam Chí Hòa, đồng thời điều thêm hai cán bộ hỗ trợ Đô lấy cung.

Việc điều tra vẫn không có kết quả. Ngày 8/4/1985, Đô trực tiếp vào Chí Hòa cùng hai điều tra viên hỏi cung ông Được. Đến bản cung thứ 14 thì người này khai nhận đã "giữ ghế cho hai người em rể là Cường và Ẩn leo vào nhà bà Cúc lấy trộm". Tuy nhiên, ngay đêm đó ông Được thắt cổ tự tử trong trại giam.

Đô bàn với Sỹ không thông báo cho gia đình về cái chết của ông Được. Chỉ đến khi bà Ba vào thăm nuôi mới biết con mình đã tự tử.

Nhà chức trách xác định, để che giấu việc bắt, giam giữ người trái pháp luật, Đô đã hợp thực hóa hồ sơ bằng cách chỉ đạo các cán bộ trong đội viết các quyết định, lệnh tạm giam và khởi tố vụ án, khởi tố bị can lùi lại một tháng trước ngày ông Được chết (vào ngày 9/3/1985). Đô sau đó chuyển các lệnh và quyết định này sang VKS và được Nguyễn Tấn Đồng, Viện trưởng VKSND quận 6, ký phê chuẩn.

Sau cái chết của con trai, bà Ba đã làm nhiều đơn thư khiếu nại, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. VKSND quận 6 sau đó kết luận không đủ căn cứ buộc tội ông Ẩn và Cường nên trả tự do từ ngày 23/8/1985. Tuy nhiên, gần một tháng sau, Công an quận 6 mới thả ông Ẩn về, còn ông Cường bị đưa đi trại cải tạo Tống Lê Chân ở Bình Dương.

Gần một năm sau khi được tha về, ông Ẩn qua đời vì bệnh. Bà Ba tiếp tục làm đơn khiếu nại về việc các con mình bị bắt oan và tố cáo cán bộ điều tra bức cung, nhục hình khiến con trai và con rể chết oan còn một người con rể (tức ông Cường) vẫn chưa rõ bị giam ở đâu.

Thanh tra TP HCM vào cuộc, phát hiện ông Cường bị đưa đi cải tạo nên yêu cầu trả tự do cho ông. Đến ngày 3/12/1986, Công an TP HCM mới chính thức ra quyết định trả tự do cho ông Cường với lý do "không liên quan đến vụ trộm vàng", sau hơn 21 tháng bị giam.

Quận ủy và Công an quận 6 lúc bấy giờ đã họp đánh giá sai phạm của từng cán bộ có liên quan. Công an TP HCM cũng đã xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng và đình chỉ công tác đối với Đô và một cán bộ có hành vi đánh những người bị tình nghi.

Nguyễn Hữu Đô và 3 người khác sau đó bị truy tố về các tội Bắt, giam, giữ người trái pháp luật theo khoản 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 14/11/1989, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đô mức án hai năm tù về tội Bắt người trái pháp luật; một năm tù về tội Giữ người trái pháp luật; hai năm tù về tội Giam người trái pháp luật. Tổng hợp hình phạt, Đô phải chấp hành 5 năm tù.

Ông Võ Tấn Sĩ, Nguyễn Kiên Trung bị cảnh cáo cùng về tội Bắt, giam người trái pháp luật; Nguyễn Tấn Đồng bị cảnh cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đô kháng cáo cho rằng chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, tòa phạt tù một mình bị cáo với mức án nặng là chưa công bằng. Ngày 21/3/1990, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo của Đô, giữ nguyên mức án 5 năm tù về 3 tội danh.

Theo HĐXX, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, bị hại và các nhân chứng có cơ sở xác định các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội. Quá trình điều tra và xét xử các bị cáo đều thừa nhận thực hiện hành vi sai phạm trong việc bắt, giam giữ các bị hại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây ra cái chết cho ông Hồ Văn Được tại buồng giam Chí Hòa.

"Nghiêm trọng hơn nữa là VKSND quận 6 đã quyết định trả tự do cho anh Trần Đức Ẩn từ ngày 23/8/1985, nhưng mãi đến 19/9/1985 công an quận mới tha. Anh Ẩn đã chết vì bệnh sau đó không đầy một năm", bản án nêu. "Cái chết của anh Ẩn tuy không xác định được nguyên nhân nào là chính, song đã gây dư luận phản ứng trong quần chúng địa phương, cho rằng do ảnh hưởng của những ngày bị giam giữ".

Toà phúc thẩm đánh giá, hành vi của Đô và các bị cáo có liên quan đã gây hậu quả nghiêm trọng, "làm cho tang tóc và tan nát một gia đình, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các ngành...". Trong đó, Đô có vai trò xuyên suốt, chỉ đạo, cố tình làm sai nguyên tắc của ngành.

Sau 38 năm bị bắt oan, ông Trịnh Dân Cường cho biết, ông được xác định là bị hại trong vụ bắt giữ người trái pháp luật, nhưng quá trình xét xử ông không được triệu tập tham gia phiên tòa. Chỉ đến khi báo chí đưa tin về phiên xử ông mới biết.

Từ ngày được trả tự do, ông nhiều lần khiếu nại Công an và VKSND quận 6, gửi đơn thư đến nhiều nơi yêu cầu phục hồi danh dự cho mình nhưng không được giải quyết. Cho đến nay ông vẫn chưa được đình chỉ bị can, xin lỗi và bồi thương oan sai.

Mới đây, ông Cường tiếp tục khởi kiện VKSND quận 6 ra tòa yêu cầu phục hồi danh dự, xin lỗi công khai và bồi thường oan sai. Hiện TAND quận 6 đã thụ lý vụ án của ông và yêu cầu các bên gửi bản tường trình cho tòa.

Hải Duyên

Xem thêm: lmth.7391654-nao-tab-ib-me-hna-3-neihk-ob-nac-4-auc-mahp-ias/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sai phạm của 4 cán bộ khiến 3 anh em bị bắt oan”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools