Trong báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2022 và cả năm 2022, Bộ Xây dựng trích báo cáo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản gần 800.000 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cùng với đó là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16% tổng dư nợ. Hay như dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7% tổng dư nợ. Ngoài ra là, dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng…
Bộ Xây dựng đánh giá các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp
Liên quan đến tính hình phát hành trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng trích báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tính đến 28/10/2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng (chiếm 33,6%).
"Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp", Bộ Xây dựng nhận định.
Cuối tháng 12/2022, cho biết về định hướng điều hành năm 2023, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh việc đảm bảo kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện khôi phục nền kinh tế. Giúp doanh nghiệp, người dân có điều kiện tốt nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như lãi suất. Cùng với đó là đảm bảo tỷ giá sao cho có lợi nhất…. Nhưng phải đảm bảo năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.
Riêng với điều hành tín dụng, Phó Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh bất động sản có giá trị lớn, phân khúc nghỉ dưỡng, có tính chất đầu cơ…
"Dự kiến thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức về diễn đàn tín dụng cho thị trường bất động sản. Tại đây sẽ tìm giải pháp để phát triển thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Không để "bong bong" những cũng không để "đóng băng" thị trường bất động sản", ông Đào Minh Tú cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.77150844103103202-nas-gnod-tab-oav-yahc-gnud-nit-gnod-yt-000008-nag/et-hnik/nv.vtv