Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt cô sinh viên nghèo Lê Thị Anh Thư (20 tuổi, quê ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), hiện là sinh viên năm hai ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, cứ mãi đau đáu nỗi lo về chi phí học tập, tiền lo phụ tiếp cho các em đi học ở quê.
Hầu như chỉ mặc quần áo cũ
Khó khăn là vậy nhưng càng khó khăn bao nhiêu, ý chí vượt khó học tập của em càng được "mài giũa" sắc bén hơn. Anh Thư có thành tích học tập xuất sắc. Ngoài ra, cô gái nhỏ người Đồng Tháp này còn chịu khó đi làm thêm với công việc phụ bán quán nước.
"Em ráng để dành tiền đi học. Còn quần áo, giày dép… khi nào cũ lắm thì em mới mua cái mới, miễn sao trông sạch sẽ tươm tất là được rồi", Anh Thư vừa nói vừa tự an ủi bản thân.
"Cha mẹ luôn dạy em phải ráng học để đổi đời. Cha mẹ có cực khổ mấy cũng ráng lo cho bốn chị em ăn học, học mới có tương lai lo cho bản thân", Anh Thư nói.
Học để đổi đời
Anh Thư là chị cả trong gia đình có 3 người em gái. Bà Huỳnh Thị Thủy (48 tuổi, mẹ của Anh Thư) bị cao huyết áp nhiều năm. Cách đây 3 tháng, người mẹ này còn phải phẫu thuật sỏi thận, hiện khả năng lao động bị hạn chế nhiều.
Gia đình Lê Thị Anh Thư thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Hầu như mọi chi phí trong nhà đều nhờ vào số tiền làm ruộng của ông Lê Phát Huy (48 tuổi, cha của Anh Thư). Thu nhập khoảng vài triệu đồng/tháng, gói ghém lắm mà vẫn không đủ.
Ông Huy kể thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa theo mùa vụ trên phần đất ruộng được cha mẹ ruột cho. Trồng lúa có khi được mùa thì mất giá và ngược lại, rồi có khi lúa cũ đổi lúa mới, trừ hết chi phí phân bón, công cán, chừa lại ít lúa để xay gạo ăn trong nhà… thì còn lời khoảng 2 triệu đồng/công đất ruộng.
"Vừa qua, may mắn được mùa được giá thì tôi mừng lắm, có thêm ít tiền cho mấy đứa nhỏ đến trường. Rồi ở xóm hễ ai thuê gì tôi làm lấy tiền tích góp thêm đồng nào đỡ đồng đó", ông Huy kể.
"Thấy tụi nhỏ ham học quá nên vợ chồng tôi cũng ráng làm lụng để nuôi bốn đứa ăn học tới nơi tới chốn. Mong sao tương lai các con có việc làm ổn định để tự lo cho bản thân", ông Huy nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai - giảng viên Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, cố vấn học tập của Anh Thư - cho biết Anh Thư là một trong số ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng ý chí vượt khó cao, là sinh viên tiêu biểu đạt thành tích học tập xuất sắc và nhận học bổng của trường. Em rất lễ phép và siêng năng học hỏi, tìm tòi kiến thức, lại chịu khó tham gia tích cực các phong trào của lớp.
60 suất học bổng cho sinh viên ngành y khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Khoảng 15h ngày 8-1, tại hội trường Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt và Thành Đoàn Cần Thơ tổ chức chương trình Tiếp sức đến trường, trao học bổng cho sinh viên ngành y tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ, đồng thời hỗ trợ cho sinh viên ngành y khó khăn có thêm điều kiện tiếp tục ước mơ học tập.
Chương trình sẽ trao 60 suất học bổng trị giá 300 triệu đồng (mỗi suất học bổng gồm 5 triệu đồng tiền mặt và quà tặng).
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 111 tân sinh viên của 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long vào tối 21-10 tại Cần Thơ có nước mắt và nụ cười, tiếng vỗ tay và cả những khoảng lặng.