Giao ước quỷ (The Verge of Death) dựa trên một câu chuyện có thật được chia sẻ trên mạng xã hội Indonesia, xoay quanh câu chuyện xảy ra với gia đình cô gái trẻ Nadia. Cuộc sống của Nadia trở nên đảo lộn khi mẹ cô tự sát trong đêm giao thừa năm 2002 vì mắc phải căn bệnh lạ.
Sau đó, cô phát hiện người bố thành đạt của mình thường xuyên ra vào căn phòng bí mật trong nhà và có những hành vi thờ cúng lén lút.
Khi những nghi thức ghê rợn trong căn phòng bị phát hiện cũng là lúc anh trai Nadia qua đời vào đúng đêm giao thừa 10 năm sau đó, 2012.
Giao ước quỷ tạo nên cơn sốt lớn tại phòng vé Indonesia và được đánh giá cao về chất lượng nội dung khi khéo léo lồng ghép những yếu tố dân gian, đậm màu sắc bản địa.
Trailer Giao ước quỷ
Cái giá của lòng tham trong 'Giao ước quỷ'
Giao ước quỷ khai thác truyền thuyết dân gian có thật tại Indonesia, về những người thiết lập giao ước với quỷ dữ để giúp gia đình mình trở nên giàu có. Tuy nhiên, họ sẽ phải đánh đổi lại bằng một thứ rất quan trọng của mình.
Phim là câu chuyện về lòng tham không đáy của con người và cái giá phải trả cho lòng tham mù quáng ấy.
Giao ước quỷ lên án những người lựa chọn con đường tắt để đổi đời, thay vì đi lên bằng chính nỗ lực và sức lao động của mình.
Con đường tắt bao giờ cũng ẩn chứa những rủi ro. Và chờ đợi gia đình tham vọng ở phía cuối con đường không phải là những vật chất xa hoa, mà là những cái chết thảm khốc lần lượt kéo tới.
Tác phẩm gây ấn tượng mạnh khi cài cắm những chi tiết đậm màu sắc văn hóa dân gian của Indonesia.
Đó là con dê hiến tế, những câu thần chú, ngôi nhà gạch giản dị, thầy cúng…
Phim cũng có nhiều góc quay phô diễn cuộc sống đời thường của các gia đình trung lưu ở Indonesia, cho thấy những tập tục sinh hoạt riêng biệt của người dân đất nước này.
Yếu tố văn hóa dân gian cũng chính là điểm cộng lớn giúp nhiều bộ phim kinh dị ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung tạo sức hút khi đi ra thế giới.
Tại Việt Nam gần đây, series phim kinh dị Tết ở làng Địa Ngục gây sốt khi chiếu trực tuyến cũng phần lớn nhờ chất liệu văn hóa dân gian đậm nét, đan cài các tình tiết linh dị cổ xưa… gợi sự tò mò cho khán giả.
Rơi vào lối mòn 'đầu voi đuôi chuột'
Giao ước quỷ có cách triển khai thú vị khi tập trung vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Nadia, thay vì cố gắng dùng nhiều hình ảnh ma quỷ để tạo nỗi sợ hãi. Điều này giúp phim truyền tải được thông điệp nhân văn trong câu chuyện.
Hạnh phúc của một gia đình đến từ cách mọi người đối xử, quan tâm lẫn nhau, chứ không phải từ những giá trị vật chất bên ngoài.
Phim cũng không lạm dụng thủ pháp jumpscare thường thấy trong các phim kinh dị. Nhiều cảnh hù dọa trong phim được làm tốt nhờ khâu tạo hình, kỹ xảo, hóa trang, mang đến sự ám ảnh cho người xem.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Giao ước quỷ rơi vào lối mòn "đầu voi đuôi chuột", tạo được bầu không khí ám ảnh lúc đầu, nhưng càng về sau càng luẩn quẩn và bế tắc. Khi nhận ra vấn đề thực sự, các thành viên không ai đưa ra được phương án giải quyết hiệu quả, mà chỉ ở đó chờ đợi cái chết.
Phim cũng không có bất kỳ cú twist nào gây bất ngờ ở hồi 3, dẫn đến cái kết dễ đoán, có phần nhàm chán, một chiều, gây thất vọng cho khán giả, đặc biệt với những người xem quen thuộc của thể loại kinh dị.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn hy vọng 'Tết ở làng Địa Ngục' và 'Kẻ ăn hồn' có thể làm được một điều gì đó giúp phim kinh dị của Việt Nam sáng sủa hơn một chút.