vĐồng tin tức tài chính 365

Ký tên vào giấy trắng, mất luôn đất thừa kế?

2024-01-10 12:29
Ông Vi Văn Tiến và đơn tố cáo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt mất thửa đất do bố mẹ để lại - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Vi Văn Tiến và đơn tố cáo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt mất thửa đất do bố mẹ để lại - Ảnh: TIẾN THẮNG

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, ông Vi Văn Tiến (66 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cho biết đã có đơn tố cáo gửi đến Công an TP Móng Cái về việc bị một nhóm người lừa đảo chiếm đoạt thửa đất do bố mẹ để lại.

Thấy đất rao bán mới biết bị lừa

Ông Tiến cho biết thửa đất số 10, tờ bản đồ số 100 tại khu 1, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là của cha mẹ ông để lại sau khi mất.

Qua người quen giới thiệu, ông có nhờ bà P.H.G. (46 tuổi, trú tại phường Ka Long, TP Móng Cái) giúp làm thủ tục chuyển từ sổ đỏ đứng tên cha mẹ sang sổ hồng đứng tên ông.

Chiều 21-7-2023, ông Tiến và em trai được bà G. đưa đến Văn phòng công chứng Trần Thị Kim Sinh tại TP Móng Cái làm thủ tục, hồ sơ công chứng liên quan việc thừa kế.

"Tại văn phòng công chứng, tôi và em trai được một nam nhân viên hướng dẫn để ký và điểm chỉ tay vào một xấp giấy trắng khổ A4. Do tin tưởng cô G. và công chứng viên nên cả hai anh em đều làm theo hướng dẫn" - ông Tiến nói.

Đến ngày 21-8, ông Tiến tá hỏa khi thấy thửa đất của mình đang bị rao bán nên đã đến văn phòng công chứng trên để hỏi và yêu cầu cung cấp thông tin hợp đồng chuyển nhượng nhưng bị từ chối.

Tìm đến Trung tâm hành chính công TP Móng Cái, ông Tiến mới hay thửa đất đứng tên mình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 7-8, tuy nhiên thửa đất này đã được chính ông chuyển nhượng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Trai (43 tuổi, trú tại TP Móng Cái).

Ngoài ra, trước đó còn có giấy ủy quyền của ông Tiến cho ông Nguyễn Duy Hùng (34 tuổi) thay mình đi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng thửa đất trên.

"Tôi khẳng định bản thân không quen biết, chưa từng gặp mặt và cũng không ủy quyền cho ông Hùng. Đặc biệt, tôi cũng không biết mặt mũi và chưa từng chuyển nhượng gì cho vợ chồng ông Trai. Sau khi phát hiện sự việc, tôi có đơn đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai TP Móng Cái tạm dừng thực hiện thủ tục đăng ký sang tên, chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời" - ông Tiến cho biết.

Hiện nay, thửa đất đã được sang tên cho vợ chồng ông Trai và vợ chồng này cũng đã bán thửa đất, hoàn thành việc sang tên cho người khác.

Thửa đất của ông Tiến tại phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) hiện đã được sang tên cho người khác - Ảnh: TIẾN THẮNG

Thửa đất của ông Tiến tại phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) hiện đã được sang tên cho người khác - Ảnh: TIẾN THẮNG

Người mua, người bán không gặp nhau nhưng vẫn được chứng thực?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trai (người mua thửa đất của ông Tiến) cho biết hai vợ chồng mua mảnh đất qua sự môi giới của bà P.H.G., còn bản thân cũng không gặp ông Tiến tại Văn phòng công chứng Trần Thị Kim Sinh ngày 16-8-2023 (là ngày ký hợp đồng chuyển nhượng).

"Toàn bộ thủ tục mua bán vợ chồng tôi thực hiện qua cô G., khi nào có bìa đứng tên vợ chồng tôi thì mới thanh toán nốt số tiền còn thiếu, tôi cũng không biết và không gặp chủ đất là ông Tiến" - ông Trai khẳng định.

Chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Kim Sinh - công chứng viên chứng thực hợp đồng chuyển nhượng cũng như giấy ủy quyền của ông Tiến - để làm rõ thêm một số nội dung liên quan.

Tại đây, bà Sinh phủ nhận việc cho ông Tiến ký, lăn tay trước vào giấy trắng và khẳng định luôn tuân thủ theo Luật Công chứng. Cũng theo bà Sinh, hợp đồng của ông Tiến được giao cho cán bộ của văn phòng là ông Vũ Đình Thảo, người trực tiếp làm.

Lý giải về việc người bán lẫn người mua đều khẳng định không biết, không gặp nhau tại văn phòng công chứng vào ngày 16-8-2023 nhưng vẫn được chứng thực chuyển nhượng, ông Thảo nói cái này phải hỏi lại các bên, còn ông không nhớ hôm đó bên mua, bên bán có gặp nhau không.

"Tôi chỉ biết trước khi cho các bên ký, lăn tay thì đều có thông tin về hợp đồng và kiểm tra đúng căn cước, đúng người mới thực hiện. Các bên nói không biết và không gặp nhau thì phải hỏi lại họ" - ông Thảo nói.

Chúng tôi liên hệ với bà P.H.G. theo số điện thoại từng liên lạc với ông Tiến để xác minh thêm thông tin thì bà này phủ nhận, nói không biết ông Tiến là ai và khẳng định bà không liên quan gì.

"Ông ấy tố cáo hay gì thì cứ cầm sổ đỏ rồi hãy nói chuyện, thửa đất ông Tiến giao dịch bán cho người khác nên báo chí đừng có tìm tôi, muốn xác minh gì thì lên tòa, lên công an" - bà G. nói rồi tắt máy.

Liên quan sự việc này, một lãnh đạo Công an TP Móng Cái cho biết sẽ cho rà soát lại nội dung đơn tố cáo của công dân để xử lý theo quy định.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về việc không tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi có đơn của công dân, ông Nguyễn Đức Việt - giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Móng Cái - cho rằng qua kiểm tra hồ sơ thấy có việc chuyển nhượng mua bán của ông Tiến, các bên ký tên, lăn tay và đã được văn phòng công chứng xác nhận nên đơn vị thực hiện theo đúng quy định trả lời kết quả trong vòng 10 ngày.

Rủi ro khi ký tên, điểm chỉ vào giấy trắng

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết hiện nay việc nhiều người bị lừa ký tên, điểm chỉ (lăn tay) vào giấy trắng diễn ra khá phổ biến, ngay cả trong văn phòng công chứng. Việc này có thể khiến họ gặp phải những rủi ro và tổn thất về tài sản.

Theo khoản 1 và khoản 3 điều 48 Luật Công chứng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng thì người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong trường hợp công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Đồng thời, theo điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì khi một bên tham gia do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Theo những quy định trên thì người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký, điểm chỉ vào văn bản công chứng chứ không phải giấy trắng A4 trước mặt công chứng viên.

Trường hợp bị lừa dối ký tên, điểm chỉ vào giấy trắng thì nội dung điền sau khi ký tên, điểm chỉ sẽ bị vô hiệu, không có hiệu lực.

Như vậy, việc văn phòng công chứng giả mạo hợp đồng giao dịch về đất đai có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.

Giả danh công an lừa Giả danh công an lừa 'chạy án', chiếm đoạt tiền và điện thoại của nạn nhân

Lập tài khoản Facebook tên Đơn Giản rồi giả làm công an để 'chạy án', Mạnh đang nhận tiền và điện thoại iPhone 14 Pro Max thì bị bắt quả tang.

Xem thêm: mth.17693340101104202-ek-auht-tad-noul-tam-gnart-yaig-oav-net-yk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ký tên vào giấy trắng, mất luôn đất thừa kế?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools