Đây là thông tin đáng chú ý vừa được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thông báo trong kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 để tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, trong kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 để tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS), nước này đã thông báo chỉ tiêu cần 15.374 người. Chỉ tiêu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo; nông nghiệp; xây dựng; ngư nghiệp. Đáng chú ý, trong kỳ thi tiếng Hàn đầu tiên của năm nay, các cơ quan chức năng sẽ không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây.
Theo Đại Đoàn Kết trước đó, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Các địa phương bị tạm dừng gồm có: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Theo kế hoạch được thống nhất giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, bao gồm: Vòng 1 - Thi năng lực tiếng Hàn (EPS – TOPIK) và Vòng 2 - Kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Chỉ những người đạt yêu cầu qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2. Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Bộ LĐTBXH cũng lưu ý, việc đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề không đảm bảo là người lao động được đi làm việc tại Hàn Quốc, mà mới chỉ là điều kiện để người lao động được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Những lao động đã từng cư trú tại Hàn Quốc theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyển viên gần bờ) từ 5 năm trở lên (không phân biệt làm việc hợp pháp và không hợp pháp) không được tham dự kỳ thi. Ứng viên chỉ nộp duy nhất khoản tiền Việt Nam tương đương với 28 USD khi đăng ký dự thi tiếng Hàn.
Được biết, theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, vì thế người lao động cần cẩn trọng để tránh bị lừa đảo.
Thông tin thêm trên Tuổi Trẻ, những người lao động có thân nhân gồm bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham dự Chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc).
Thời gian đăng ký dự thi vào cuối tháng 1, từ 26/1 đến 30/1 (bao gồm thứ 7 và chủ nhật). Việc tiếp nhận đăng ký thi tiếng Hàn được thực hiện thông qua Sở LĐTBXH hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh/thành phố.
"Ngoài các đơn vị nêu trên, không có cá nhân, tổ chức nào được tham gia tiếp nhận đơn đăng ký", Trung tâm lao động ngoài nước lưu ý và cho biết danh sách các đơn vị và địa chỉ tiếp nhận của 63 tỉnh sẽ được thông báo trên website của Trung tâm tại địa chỉ www.colab.gov.vn trước ngày 20/1.
Trung tâm lao động ngoài nước lưu ý người lao động phải có mặt đăng ký trực tiếp, không được đăng ký hộ.
Về chi phí tham gia chương trình EPS, người lao động sau khi vượt qua hai vòng thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn và đánh giá tay nghề và được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng mới phải đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa).
Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng, khoản tiền ký quỹ này lao động được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng (chỉ ký quỹ sau khi ký hợp đồng đưa đi với Trung tâm Lao động ngoài nước).
Đáng chú ý về thời gian xuất cảnh, Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, do đặc thù của Chương trình EPS là người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn căn cứ trên một số hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, chủ sử dụng lao động không được chọn chỉ định lao động.
Về cơ chế tuyển chọn với thông tin lao động đã được mã hóa và chọn ngẫu nhiên. Vì vậy, người lao động không thể biết trước thời gian sẽ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc, không ai tác động được vào việc được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động.
Trúc Chi (t/h)