Như Thanh Niên đã phản ánh, bầu không khí tại các đô thị lớn chuyển thành trắng đục do chứa đầy bụi mịn đang là nỗi ám ảnh với nhiều người dân thời gian qua. Từ đầu tháng 11.2023, nhiều tỉnh thành miền Bắc bước vào mùa ô nhiễm không khí, đặc biệt là TP.Hà Nội. Mức độ ô nhiễm gia tăng và kéo dài trong suốt tháng 12.2023 đến thời điểm hiện tại. Với TP.HCM, tình hình dù ít nghiêm trọng hơn song vẫn thường xuyên ở mức "báo động đỏ".
Ngày 5.1, cả Hà Nội và TP.HCM đều rơi vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới). Cụ thể, Hà Nội với chỉ số ô nhiễm là 176 đứng thứ 6, còn TP.HCM là 164 xếp hạng 10 (nồng độ bụi mịn PM2.5 µm/m3 trên 150 tương ứng với màu đỏ là có hại cho sức khỏe, dưới 150 là màu cam và dưới 100 là màu vàng). Tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM tiếp tục diễn biến xấu vào lúc từ 5 - 6 giờ sáng 6.1 khi chỉ số ô nhiễm lên tới 217 - mức màu tím (rất không tốt cho sức khỏe); chỉ số ô nhiễm trung bình cả ngày duy trì ngưỡng 158. Trong ngày 7.1, chỉ số ô nhiễm trung bình đến 12 giờ là 167.
Lo lắng
Nhìn vào các số liệu về nồng độ bụi mịn, bạn đọc (BĐ) mtrangg7773 tỏ ra lo lắng: "Ô nhiễm không khí là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Vấn đề này phải được giải quyết một cách tốt nhất. Đừng xem nhẹ hay lơ là chủ quan vì mức độ ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, khó lường".
Không chỉ lo lắng, BĐ Lê Nam còn thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí đang khiến BĐ này "khó thở" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: "Tôi sống ở TP.HCM, bằng cảm nhận của mình, tôi luôn khó thở khi sáng sớm mở cửa sổ đã hít khói khi ai đó đốt rác, đốt nhựa, mùi hôi từ kênh rạch, mùi than đốt và mùi khói thuốc lá của hàng xóm. Ra đường thì hít khói xe, khói thuốc lá, bụi bặm từ những công trình thi công không che chắn…".
Đa số BĐ đều cho rằng các cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với mức độ gia tăng hiện tại, vấn đề này phải được đặt ra với mức độ bức thiết cao. BĐ Nguyễn Chí Hải nêu: "Trước khi có đủ nhân lực, nguồn kinh phí để đẩy lùi ô nhiễm không khí thì hãy có những kênh thông tin để cảnh báo, hướng dẫn cách để người dân đề phòng".
Tán thành, nhưng cho rằng nếu chỉ giúp người dân đề phòng là hoàn toàn chưa đủ, BĐ Ngọc Sơn đặt vấn đề: "Người dân cần các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả".
Mỗi người góp một phần sức lực
BĐ Lê Nam tiếp tục đóng góp: "Làm sao để giảm ô nhiễm không khí? Cần khuyến cáo người dân vệ sinh định kỳ nơi công cộng, nơi mình đang ở. Cấm đốt rác, đốt nhựa trong khu dân cư. Xử lý xe xả khói đen ra môi trường. Sửa chữa nhà cửa phải quây kín. Cấm các xưởng hàn, sơn đem ra đường phun, cắt. Nơi nào để xảy ra gây ô nhiễm môi trường sống thì chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm".
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã được BĐ phân tích khi đề cập đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, bao gồm tình trạng khí hậu, mật độ dân cư, mật độ khí thải từ phương tiện giao thông, nhu cầu sản xuất tăng cao trong khi công nghệ sản xuất chưa theo kịp tiêu chuẩn xanh sạch… Với những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ô nhiễm không khí này, BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến: "Cần có nhiều giải pháp, chính sách vĩ mô mới có thể giải quyết được".
Tuy nhiên, đa số BĐ đều đồng ý trong lúc chờ đợi các giải pháp quản lý vĩ mô phát huy tác dụng, mỗi người dân đều có thể góp một phần sức lực cùng toàn xã hội. "Nhiều người, nhưng chung một ý thức, sẽ giảm thiểu được ô nhiễm không khí", BĐ Thủy nhận xét.
Các nhà máy công nghệ lỗi thời là một trong các nguyên nhân chính, bởi chúng có công suất lớn gấp hàng vạn ô tô, hàng triệu xe máy. Tìm đúng nguyên nhân sẽ tìm đúng giải pháp.
Phùng Đỗ
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nếu cứ tàn phá môi trường thì tương lai con cháu chúng ta sẽ là người gánh chịu hậu quả.
Kim Long
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm để tạo ra một bầu không khí sạch cho con cháu chúng ta sau này.
Lý Vĩnh