Ngày 11.1, lãnh đạo UBND huyện đảo Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) đã đến thăm hỏi các "nhân chứng Hoàng Sa" là những người từng làm việc, công tác trên quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
Đoàn công tác đã đến thắp nhang cho cụ ông Trần Văn Hảo (người từng làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn 1968 - 1974, đã mất). Lãnh đạo huyện đảo Hoàng Sa cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho cụ Phạm Sô (90 tuổi, trú tại P.Bình Hiên, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Tháng 4.1957, cụ Sô ra đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước mưa để cung cấp nước ngọt cho cán bộ, nhân viên khí tượng và những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.
Đoàn công tác cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho cụ Trương Văn Quảng (84 tuổi, trú tại P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn). Từ năm 1959 - 1973, cụ Quảng có 10 lần ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ tiếp tế cho những người làm việc và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo.
Tại các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi "nhân chứng Hoàng Sa" đợt này, ngoài quà tặng, UBND huyện đảo Hoàng Sa còn trao tặng tập Tư liệu Hoàng Sa (dày 68 trang) vừa được UBND H.Hoàng Sa ấn hành. Tập sách là tập hợp những hình ảnh, tư liệu tổng quan về quần đảo Hoàng Sa trong các giai đoạn lịch sử, trong đó huyện đảo Hoàng Sa có trích dẫn các bài báo của Báo Thanh Niên. Tư liệu Hoàng Sa cũng dành nhiều dung lượng để giới thiệu thông tin về các "nhân chứng Hoàng Sa" và những hồi ký, bút tích của họ.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, cho biết năm 2023 các "nhân chứng Hoàng Sa" đã hiến tặng nhiều hồi ký về huyện đảo cho chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, huyện đảo đã hệ thống, tập hợp lại các tư liệu để cho in tập Tư liệu Hoàng Sa.
"Với việc trao tặng lại tập tư liệu này cho các "nhân chứng Hoàng Sa", chính quyền huyện đảo mong muốn cuốn tư liệu sẽ trở thành kỷ vật của mỗi gia đình. Qua đó, các nhân chứng sẽ giới thiệu cho con cháu, mọi người biết đến những kỷ niệm, ký ức mà các nhân chứng có được khi sống và làm việc tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Đồng nói.