Lộ kế hoạch không kích vào phút chót
Theo tờ Telegraph, đêm 9/1, Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu chở hàng của Mỹ tại khu vực có cả các tàu quân sự của Washington. Nhóm vũ trang này đã triển khai gần 20 máy bay không người lái (UAV) và nã một loạt tên lửa về phía mục tiêu. Đây có thể xem là "giọt nước làm tràn ly" khiến liên quân Anh-Mỹ ra quyết định phải đầy lùi mối đe dọa bằng vũ lực.
Cuộc tấn công, theo quyết định của Washington và London, đòi hỏi phản ứng cứng rắn. Một mặt, đây là "hành động tự vệ" nhưng buộc Mỹ và Anh phải ra tay trước.
Song, ở một mặt khác, Nhà Trắng đã lên kế hoạch tấn công Houthi từ nhiều tuần qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan "gần như hàng ngày" để thảo luận về Houthi và chiến dịch "Người bảo vệ Thịnh vượng" (Operation Prosperity Guardian) - một liên minh đặc biệt gồm 22 quốc gia thành viên do Mỹ dẫn đầu, nhằm bảo vệ hoạt động vận tải hàng hải ở Biển Đỏ.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, vào ngày đầu năm mới, sau cuộc tấn công của Houthi vào tàu container Maersk Hangzhou của Đan Mạch, ông Biden đã ra lệnh cho đội ngũ của mình "đẩy nhanh tiến độ" tìm kiếm sự ủng hộ cho hành động quân sự (nhằm vào Houthi) ở Liên Hợp Quốc (LHQ).
Mỹ và 13 đồng minh đã phát đi "cảnh báo cuối cùng" vào ngày 3/1, nhưng tới ngày 9/1, phiến quân Houthi lần nữa tấn công tàu trên Biển Đỏ.
"Ngay sau khi cuộc tấn công của Houthi bị đẩy lùi, Tổng thống (Biden) tiếp tục triệu tập đội ngũ an ninh quốc gia, và trong cuộc họp này, ông đã xem xét các phương án quân sự nhằm thiết lập phản ứng tập thể cùng với các đối tác thân cận.
Vào cuối buổi họp, Tổng thống đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thực hiện phương thức phản ứng như chúng ta đã thấy" - Vị quan chức cho hay.
Chính quyền Mỹ sau đó quay sang các đồng minh của mình - trong đó có Anh - để tìm kiếm sự hỗ trợ trong hoạt động triệt phá hơn 60 cứ điểm do Houthi kiểm soát. Theo tình báo Mỹ, đây là những cứ điểm có liên quan tới khả năng triển khai máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Houthi.
Không giống như các thành viên khác của liên minh "Người bảo vệ Thịnh vượng", Anh sẵn sàng tham gia vào cuộc tấn công, chứ không chỉ thể hiện sự ủng hộ bằng lời nói.
London đồng ý điều 4 tiêm kích Typhoon và 1 máy bay tiếp nhiên liệu từ căn cứ Akrotiri của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) ở Síp, trong khi Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain hỗ trợ hậu cần và tình báo.
Italia từ chối tham gia hoạt động này bởi họ muốn theo đuổi chính sách "bình tĩnh và kiềm chế" trong khu vực.
Theo phân công, Anh chịu trách nhiệm tấn công 2 mục tiêu, bao gồm 1 địa điểm ở Bani, phía tây bắc Yemen (nơi phục vụ các cuộc tấn công bằng UAV của Houthi), và 1 sân bay ở Abbs. Trong khi đó, Mỹ phụ trách tấn công 14 mục tiêu khác.
Mọi việc diễn tiến suôn sẻ cho tới tối ngày 11/1, khi thời điểm không kích cận kề. Căng thẳng giữa Anh-Mỹ bùng lên khi tờ The Times (Anh) bất ngờ đăng tải thông tin cho biết Nội các Anh đã được triệu tập để thảo luận về hành động quân sự chống lại Houthi.
Tờ Daily Telegraph dẫn một nguồn tin uy tín cho biết, quân đội Mỹ đã nổi giận và bày tỏ sự bức xúc với đồng minh của mình. Thông thường, các cuộc không kích chỉ được công bố sau khi máy bay đã trở về căn cứ.
"Tin sét đánh" đã khiến tâm trạng bất an lan rộng ở Nội các Anh, các nhà chính trị và ngoại giao cố gắng tìm ra nguồn cơn dẫn tới vụ rò rỉ tin tức. Tâm lý chung khi đó là "thất vọng sâu sắc".
Liên quân Anh-Mỹ tấn công các mục tiêu Houthi đêm 11/1, rạng sáng 12/1. Nguồn: Daily Mail
Thời điểm tin tức về chiến dịch tấn công bị rò rỉ ở Anh, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cũng đăng một bài viết, trong đó dẫn lời "các nhà vận hành hàng hải" ở Yemen đã được chính phủ Mỹ cảnh báo về các cuộc tấn công sẽ diễn ra trong vài giờ tới.
Tờ báo này thậm chí cho biết họ đã được thông báo về kế hoạch tấn công vào các trạm radar, kho vũ khí và các địa điểm phóng máy bay không người lái của Houthi.
Việc rò rỉ thông tin về chiến dịch không kích từ trước vài giờ có thể đã giúp Houthi kịp sơ tán khí tài và lực lượng.
Theo quy ước trong suốt 20 năm qua, Quốc hội Anh sẽ được quyền lên tiếng và biểu quyết về hành động quân sự của quốc gia. Tuy nhiên lần này, chiến dịch của Anh đã không thông qua Quốc hội, do các bộ trưởng nước này lo ngại điều đó sẽ cho phép Houthi có thêm thời gian để phản ứng, khiến cuộc tấn công trở nên kém hiệu quả hơn.
Houthi gần như 'không hề hấn' sau cuộc tấn công
Nhiều quan chức Anh khẳng định sự cố kể trên không làm ảnh hưởng nhiều tới thời điểm và phương án của cuộc tấn công hôm 12/1. Tuy nhiên, theo tờ New York Times (NYT), phần lớn năng lực tấn công của Houthi vẫn còn nguyên vẹn sau các cuộc không kích của Anh-Mỹ.
NYT dẫn lời hai quan chức Mỹ ngày 13/1 cho biết, các cuộc không kích vào đêm 11/1, rạng sáng 12/1 của Anh-Mỹ nhằm vào các địa điểm do Houthi kiểm soát ở Yemen đã làm hư hại hoặc phá hủy khoảng 90% mục tiêu bị tấn công.
Song, nhóm vũ trang này vẫn giữ được khoảng 3/4 khả năng triển khai tên lửa và UAV vào các tàu quá cảnh qua Biển Đỏ.
Kết quả ước tính thiệt hại đã cho thấy những thách thức nghiêm trọng mà chính quyền ông Biden và các đồng minh phải đối mặt khi tìm cách ngăn chặn Houthi.
150 quả bom và tên lửa dẫn đường chính xác, nhằm vào hơn 60 mục tiêu của Houthi, lại chỉ gây thiệt hại hoặc triệt tiêu được 20-30% năng lực tấn công của nhóm phiến quân tại Yemen.
Phần lớn các tên lửa của Houthi được lắp trên bệ phóng di động nên có thể dễ dàng di chuyển và giấu đi.
Việc tìm kiếm các mục tiêu của Houthi đang tỏ ra khó khăn hơn dự đoán. Hai quan chức Mỹ cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây đã không dành thời gian hoặc nguồn lực đáng kể trong những năm gần đây để thu thập dữ liệu về vị trí của hệ thống phòng không, trung tâm chỉ huy, kho đạn dược, cơ sở lưu trữ, cũng như sản xuất máy bay không người lái và tên lửa của Houthi.
Hiện tại, các nhà phân tích Mỹ đang gấp rút theo dõi và lập danh mục thêm các mục tiêu tiềm năng của Houthi mỗi ngày.