Dòng dung nham đã chảy đến cách thị trấn Grindavik 500 mét, nơi cư dân cũng phải sơ tán vào tháng 11/2023, trước khi xảy ra vụ phun trào núi lửa lớn cùng trên bán đảo Reykjanes. Sau đó, các bức tường phòng thủ đã được xây dựng xung quanh núi lửa với hy vọng có thể ngăn dòng magma chảy tới khu vực có khoảng 3.800 người dân này.
Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết, các rào chắn bằng đất và đá được xây dựng ở phía Bắc thị trấn Grindavik đã bị phá vỡ và dung nham đang di chuyển về phía thị trấn. "Dựa trên các mô hình dòng chảy, dung nham có thể mất vài giờ để tiếp cận khu vực này nếu nó tiếp tục chảy theo hướng hiện nay", người phát ngôn của IMO nói với Đài Truyền hình nhà nước Iceland (RUV).
Tổng thống Iceland Gudni Johannesson viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X: "Không có người nào gặp nguy hiểm, mặc dù cơ sở hạ tầng có thể bị đe dọa". Ông nói thêm rằng không có sự gián đoạn nào đối với các chuyến bay.
Quang cảnh vụ phun trào núi lửa hôm 14/1. (Ảnh: Sky News)
Kristin Jonsdottir, nhân viên IMO, nói với RUV: "Dung nham đang chảy cách thị trấn vài trăm mét về phía Bắc, khoảng 400 đến 500 mét"; "Dung nham chảy về phía thị trấn Grindavik".
IMO cho biết trong một tuyên bố riêng: "Theo những hình ảnh đầu tiên từ chuyến bay giám sát của lực lượng bảo vệ bờ biển, vết nứt đã xuất hiện ở cả hai phía của hệ thống phòng thủ được xây dựng ở phía Bắc Grindavík."
Một vụ phun trào khác đã diễn ra vào tháng 12/2023, với dung nham phun lên từ một vết nứt dài 2 dặm (khoảng 3,2 km) trên bề mặt đất sau nhiều tuần động đất dữ dội trong khu vực.
Grindavik cuối cùng thoát khỏi "hiểm cảnh" khi dung nham chảy theo hướng khác với thị trấn này.
Người dân đã được di dời khỏi nhà vào tháng 11/2023 và phải sơ tán khỏi Grindavik trong 6 tuần. Trong khi đó, khu du lịch suối nước nóng Blue Lagoon, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Iceland, đã phải đóng cửa.
Cư dân Grindavik đã được trở về nhà vào ngày 22/12/2023.
Tro bụi núi lửa bao phủ ở Grindavik, trên bán đảo Reykjanes của Iceland, ngày 21/12/2023. (Ảnh: AP)
Vụ núi lửa phun trào hôm 14/1 là vụ phun trào thứ 5 diễn ra ở bán đảo Reykjanes kể từ năm 2021.
Hôm 13/1, lực lượng cứu hộ triển khai tìm kiếm một người đàn ông bị rơi vào vết nứt trên mặt đất sau vụ phun trào hồi tháng 12/2023. Theo truyền thông địa phương, người đàn ông này đang làm việc để lấp đầy các khe nứt hình thành sau động đất và hoạt động núi lửa ở Grindavik. Hàng trăm người đã tìm kiếm nạn nhân này kể từ ngày 10/1 nhưng phải dừng lại ngay trước nửa đêm 11/1 do một tảng đá rơi gây nguy hiểm.
Iceland nằm phía trên một điểm nóng núi lửa ở Bắc Đại Tây Dương, trung bình 4 - 5 năm lại xảy ra một vụ phun trào. Gây ảnh hưởng lớn nhất trong thời gian gần đây là vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajokull vào năm 2010, phun ra những đám mây tro bụi núi lửa khổng lồ vào bầu khí quyển, dẫn đến việc đóng cửa không phận trên diện rộng khắp châu Âu.
Không giống như Eyjafjallajokull, hệ thống núi lửa Reykjanes không bị kẹt dưới các sông băng và do đó dự kiến sẽ không gây ra những đám mây tro bụi tương tự.
Xem thêm: nhc.936320560511042881-ac-hnad-nart-iht-ohc-meih-yugn-yag-dnaleci-o-oart-nuhp-aul-iun/nv.fefac