Theo nhóm chuyên gia phân tích của IMF, khoảng 60% lao động tại các nước phát triển như Mỹ và Anh đang chịu sự tác động của AI. Trong khi đó, tỉ lệ này ở những nền kinh tế mới nổi và các quốc gia thu nhập thấp lần lượt là 40% và 26%.
Ai an toàn hơn giữa "bão AI"?
Theo bà Georgieva, tác động của AI đối với thị trường lao động tại các nước phát triển sẽ sâu rộng hơn, đe dọa số lượng lớn các lao động có tay nghề cao hơn. Tuy nhiên, cũng chính các nền kinh tế này mới có đủ tiềm lực để tích hợp công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động.
"Sự lựa chọn của các nước liên quan đến việc định nghĩa quyền sử dụng AI, chính sách tái phân phối và những chính sách tài chính khác sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của AI lên thu nhập và sự phân bổ giàu nghèo", bà Georgieva nhận định.
Cũng trong ngày 15-1, báo Financial Times đăng kết quả khảo sát 4.702 giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn từ 105 quốc gia cho thấy các ngành truyền thông, giải trí, ngân hàng, bảo hiểm và logistics sẽ cắt giảm nhân sự do tích hợp được nhiều công cụ AI tân tiến nhất. Trong khi đó, các công ty kỹ thuật và xây dựng lại là những đơn vị nhiều khả năng sẽ hạn chế thu hẹp quy mô nhân sự dù cũng đã ứng dụng AI.
Ngoài ra, nhóm lao động có thu nhập cao, làm việc trong những lĩnh vực mà AI có thể hỗ trợ đắc lực nhưng không thể thay thế hoàn toàn, được đánh giá sẽ là những nghề an toàn nhất giữa "bão" AI. Điển hình như các việc yêu cầu nhiều trách nhiệm và tương tác với con người như bác sĩ, luật sư, thẩm phán... Ở chiều ngược lại, một số công việc như tiếp thị qua điện thoại, lễ tân, thư ký riêng, kế toán... lại nằm trong top những nghề dễ bị công nghệ thay thế.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ có thể xem là nơi ghi nhận những bước chuyển tương đối phức tạp trong thị trường lao động. Nhờ ứng dụng AI tạo sinh, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm được một lượng lớn nhân sự.
Hồi tháng 5-2023, Giám đốc điều hành Tập đoàn IBM Arvind Krishna tuyên bố "ngừng" tuyển nhân viên văn phòng vì cho rằng hầu hết công việc của nhóm này sẽ sớm được AI thay thế. Trong khi đó, cả Amazon và Microsoft đều đã lên kế hoạch sử dụng AI tạo sinh để nâng cao năng suất lao động cho nhân viên.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển AI và xử lý dữ liệu lại được kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tích hợp AI vào công việc. Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán số chuyên viên về AI và học máy (machine learning) sẽ tăng 40% vào năm 2027, trong khi nhu cầu chuyên viên phân tích dữ liệu và chuyên gia về dữ liệu lớn (big data) dự kiến tăng 30 - 35%.
Hãy luôn tự làm mới mình!
Bà Georgieva khuyến nghị: "Việc các nước thiết lập những mạng lưới an sinh xã hội toàn diện và đề ra các chương trình đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động dễ bị tác động bởi AI là rất cần thiết. Nhờ đó, chúng ta có thể khiến quá trình chuyển đổi sang AI có ích cho mọi người, bảo vệ thu nhập và hạn chế sự bất bình đẳng".
Công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp Accenture cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhân sự làm chủ được những kỹ năng mới, cần thiết cho kỷ nguyên AI.
"Thành công với AI tạo sinh yêu cầu sự chú ý đồng đều vào con người, công tác đào tạo và công nghệ. Điều này đòi hỏi cả việc xây dựng nguồn nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ như kỹ sư AI, và đào tạo con người trong tổ chức để làm việc hiệu quả với các quy trình tích hợp AI", công ty này cho biết.
Bên cạnh đó, Accenture cũng khuyên các doanh nghiệp chia nhỏ những vai trò hiện tại thành các "gói nhiệm vụ cơ bản". Điều này giúp lãnh đạo dễ chỉ ra được công đoạn nào AI có thể tham gia nhằm tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu quả.
Từ đó, các tổ chức sẽ nâng cao được trình độ nhân sự, giúp họ thích nghi với những công việc có sự giúp sức của AI. Accenture dự báo sẽ có những công việc hoàn toàn mới xuất hiện như chuyên gia ngôn ngữ, chuyên viên kiểm soát chất lượng AI, lập trình viên AI...
Lĩnh vực làm đẹp đang ứng dụng công nghệ tiên tiến trí tuệ nhân tạo (AI) để đem lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm tuyệt vời.