Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt doanh thu hơn 33.100 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận gộp lại tăng, giúp lãi sau thuế nâng thêm 8,9%, lên hơn 1.970 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập năm 1988.
Công ty chỉ hoàn thành 93% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt gần 2% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân là PNJ chiếm thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, tung ra sản phẩm đa dạng và tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Năm trước, công ty này đóng 7 điểm bán nhưng mở mới 48 cửa hàng. Đây là động thái giúp tăng cường độ phủ và tối ưu hóa vận hành. Tại cuộc họp thường niên hồi cuối tháng 4/2023, CEO Lê Trí Thông từng cho biết PNJ tăng được doanh số nhờ khai thác thêm khách hàng thân thiết của những tiệm kim hoàn khác. Đây là nhóm khách công ty chưa tiếp cận hoặc mới tiếp cận sau giai đoạn dịch.
Trong số ba mảng kinh doanh chính, doanh thu bán lẻ và bán sỉ trang sức giảm lần lượt gần 8% và hơn 30% so với năm 2022. Riêng mảng bán lẻ, doanh nghiệp này nói mức giảm doanh thu của họ đang thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường.
Mảng duy nhất tăng trưởng dương là vàng 24K, mang về cho PNJ hơn 10.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục mà PNJ từng báo cáo kể từ năm 2017, trung bình mỗi ngày hãng bán ra gần 29 tỷ đồng vàng 24K. Nhớ đó, mảng này lần đầu chiếm gần một phần ba trong cơ cấu doanh thu công ty.
Doanh thu vàng miếng của PNJ bắt đầu tăng đột biến từ năm 2022. Giai đoạn 2017-2021, con số này chỉ tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ, trong khi năm 2022 tăng hơn 70%. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận giá vàng tăng nhanh hơn trước, từng bước cán mốc 60 triệu và 70 triệu đồng một lượng, sau đó chủ yếu giao dịch quanh 65 triệu đồng suốt cả năm.
Tuy doanh thu vàng miếng tăng trưởng mạnh, ban lãnh đạo PNJ nhiều lần khẳng định biên lợi nhuận của mảng này thấp, ảnh hưởng đến biên lãi gộp toàn công ty. Vàng miếng thường chỉ chiếm tỷ trọng trên dưới 1% trong lợi nhuận gộp của hãng.
Về triển vọng ngành bán lẻ trang sức trong năm nay, các đơn vị phân tích đưa ra dự báo có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Báo cáo mới đây của SSI Research cho rằng mức tiêu thụ ngành này sẽ tăng một chữ số và ở mức thấp trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023. Tuy nhiên, các chuỗi trang sức có thương hiệu có thể đạt được kết quả cao hơn mức tăng trưởng của ngành nhờ giành thêm thị phần từ trang sức không thương hiệu.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng PNJ là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi ngay nửa đầu năm nay vì thị phần khách hàng có sẵn khi sức mua hàng không thiết yếu bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến tranh giá như trong lĩnh vực điện máy.
Tất Đạt