Ngày 26-1, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay vừa tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho 3 bệnh nhân bị chấn thương nặng "nghi" do pháo nổ.
Cụ thể, ngày 24-1, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân N.T.H. (19 tuổi, trú huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở ở đùi trái, đùi phải, giập nát bàn tay phải, bỏng ở mặt, mắt không nhìn thấy.
Các bác sĩ khoa ngoại chấn thương đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương, cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.
Ông N.T.D. (55 tuổi, cha của bệnh nhân H.) cho biết trưa 24-1, gia đình ông nghe tiếng nổ lớn ở trên gác.
Mọi người chạy lên thì thấy H. có nhiều vết thương trên người, mặt, bàn tay phải bị giập nát, người bị bỏng. Qua tìm hiểu được biết H. chơi pháo và pháo nổ gây thương tích, được người thân đưa đi cấp cứu.
Ngoài bệnh nhân H., Bệnh viện Đà Nẵng cũng tiếp nhận hai bệnh nhân khác.
Theo đó, nam bệnh nhân N.H.K. (16 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được đưa vào bệnh viện trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, mặt, cổ, cánh tay hai bên, mắt không nhìn thấy.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp X-quang, CT cho thấy bệnh nhân bị tràn khí vùng cổ hai bên, tụ máu khí trung thất trên, xẹp thùy phổi phải, mất xương bàn tay trái, phải, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu phải.
Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Hiện bệnh nhân còn hôn mê, thở máy, vết thương nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng huyết cao, bệnh tiên lượng nặng, đang được tích cực điều trị tại khoa gây mê hồi sức.
Trường hợp thứ ba là nam bệnh nhân N.V.D. (25 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu trong tình trạng tổn thương cổ tay, giập nát bốn ngón tay của bàn tay phải kèm vết thương nham nhở, nhiều dị vật, chảy nhiều máu, nhiều tổ chức hoại tử.
Các bác sĩ đã cắt lọc phẫu thuật vết thương bàn tay, khâu nối cơ đứt, sửa mỏm cụt bốn ngón tay, không thể bảo tồn được các ngón tay.
Bác sĩ Ngô Hạnh - phó trưởng khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết bệnh nhân bị pháo nổ nhập viện với tình trạng đa vết thương, tổn thương nhiều nơi trên cơ thể, bỏng mặt, mắt.
Khi nhập viện được mổ cấp cứu, cắt lọc phẫu thuật, xử lý những tổn thương giập nát cũng như những xác pháo, chất nổ còn sót lại trong người bệnh nhân. Những trường hợp bị thương do pháo nổ thường là vết thương hở, nguy cơ nhiễm trùng lớn nên các bác sĩ phải theo dõi lâu dài.
Bác sĩ Hạnh cho biết đối với những tai nạn do pháo nổ, nhất là trường hợp pháo tự chế gây tổn thương đa cơ quan, rất nặng, vì vậy phụ huynh cần theo dõi con em chặt chẽ, không cho chơi pháo và tự chế pháo.
Nhà trường cũng nên có những buổi tuyên truyền sự nguy hiểm của pháo nổ, nghiêm cấm các em chơi pháo.
Bên cạnh đó, mạng xã hội làm sao giảm đi những thông tin về chế tạo pháo để không gây tò mò đối với những em tuổi mới lớn, bắt chước làm pháo tự chế.
Người nhà cho biết M. chơi pháo tự chế. Sau tiếng nổ lớn, M. bị đứt lìa bàn tay phải, cùng nhiều vết thương vùng mặt, cổ, ngực, bụng, cơ quan sinh dục...