Học lý thuyết lái xe qua mạng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có công văn đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B (B1, B2), C.
Mục đích đề án là đào tạo tập trung các môn học lý thuyết (học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) qua online. Đề án này do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát đề xuất, kiến nghị thí điểm trong 2 năm.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay có sự bất cập về hình thức đào tạo lý thuyết được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giao thông đường bộ 2008.
Cụ thể, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép hình thức đào tạo vừa làm vừa học hoặc tự học có hướng dẫn có thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học. Còn học nghề lái xe theo Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ được đào tạo theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo.
Vì thế, khi trung tâm đào tạo lái xe xây dựng chương trình học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp lại mẫu thuẫn với quy định đào tạo tập trung của Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định, các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề sẽ áp dụng quy định văn bản ban hành sau.
Vì vậy, chương trình đào tạo lái xe cho người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F được thực hiện từ xa hoặc tự học có hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Học lý thuyết lái xe online phù hợp với xu hướng
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc học lý thuyết lái xe online là phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử.
Giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc bố trí thời gian học được linh hoạt và phù hợp với xu hướng, lộ trình chuyển đổi số của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Đề án này sẽ mang tính khả thi cao, mang lại hiệu quả công nghệ, kinh tế và xã hội để có thể áp dụng trên cả nước. Việc này phần nào đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người học lái xe vì có thể tự học mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí và linh động thời gian.
Trong thời gian chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cũng như các quy định pháp luật có liên quan khác, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến để triển khai. Đồng thời, xem xét giải quyết đối với đề án đề xuất thí điểm (nếu có) của các cơ sở đào tạo lái xe khác để tránh tình trạng độc quyền
Hiện nay trên thế giới, trực tuyến không đồng bộ được sử dụng phổ biến cho giáo dục sau phổ thông, từ dạy nghề đến sau đại học. Dĩ nhiên, đào tạo lái xe cũng không ngoại lệ.